MỘT SỐ PHẢN ỨNG DỊ ỨNG THƯỜNG GẶP VỚI DICLOFENAC
MỘT SỐ PHẢN ỨNG DỊ ỨNG THƯỜNG GẶP VỚI DICLOFENAC
Trần Thúy Ngần 

Tóm tắt

Năm 2012, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc nhận được 35 báo cáo từ bệnh viện Hùng Vương – Thành phố Hồ Chí Minh về phản ứng có hại (ADR) của diclofenac dùng giảm đau sau mổ lấy thai. Trong quý I/2013, Trung tâm tiếp tục nhận được 22 báo cáo tương tự từ bệnh viện. Các phản ứng bất lợi được mô tả thường không nghiêm trọng, chủ yếu là mẩn đỏ và phù mi mắt.
Từ khóa:  

Nội dung bài

Diclofenac, dẫn chất của acid phenylacetic, là một thuốc chống viêm không steroid có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh [1]. Thuốc có tác dụng giảm đau do ức chế men cyclo-oxygenase (COX), từ đó ức chế tổng hợp prostaglandin PGF2 alpha (PGF2α) làm giảm tính cảm thụ của các ngọn sợi thần kinh cảm giác với các chất gây đau của phản ứng viêm như bradykinin, histamin, serotonin [2]. Đặc biệt, diclofenac đặt trực tràng thường được lựa chọn để giảm đau sau mổ lấy thai với hai lý do chính: thuốc được bài tiết rất ít vào sữa mẹ [1]; đường đặt trực tràng là một lựa chọn thích hợp để tránh trường hợp buồn nôn và nôn sau phẫu thuật [3].

Các phản ứng bất lợi thường được mô tả trong các báo cáo ADR liên quan đến diclofenac là phù mi mắt và mẩn ngứa. Các phản ứng này đã được ghi nhận trong Dược thư Quốc gia Việt Nam (2009), với tỷ lệ xảy ra từ 1/1000 - 1/100 [1]. Phản ứng phù và dị ứng da do diclofenac thường xuất hiện trong khoảng 1-4 giờ sau khi dùng thuốc. Trong một số trường hợp, phản ứng có thể xuất hiện tức thời (sau 15 phút) hoặc xảy ra muộn (sau 24 giờ). Các biểu hiện phản ứng thường giảm sau khi ngừng thuốc một vài giờ hoặc cũng có thể kéo dài vài ngày [4]. Một số ít bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng nặng hơn trên hô hấp như co thắt phế quản, khó thở; có thể do hậu quả của sự ức chế COX gây tích tụ acid arachidonic và tăng chuyển thành leukotrien  [1], [4].

Cơ sở dữ liệu về phản ứng có hại của Tổ chức Y tế Thế giới (Vigibase) năm 2011 ghi nhận 5780 báo cáo phản ứng có hại liên quan đến diclofenac. Trong đó, có 1600 báo cáo về phản ứng phù (28%), 2216 báo cáo về phản ứng dị ứng ngoài da (38%) và 301 báo cáo về phản ứng khó thở (5,2%). Cơ sở dữ liệu ADR của Việt Nam năm 2011 ghi nhận 83 báo cáo về phản ứng có hại liên quan đến diclofenac, trong đó có 26 báo cáo về phản ứng phù (31%), 34 báo cáo về phản ứng dị ứng ngoài da (41%) và 11 báo cáo về phản ứng khó thở (13,2%).

Theo số liệu cung cấp từ bệnh viện Hùng Vương, trong quý I/2013, toàn bệnh viện có khoảng 5200 trường hợp được chỉ định sử dụng diclofenac giảm đau sau mổ sinh, trong đó có 22 trường hợp gặp phản ứng phù mắt và/hoặc mẩn đỏ chiếm tỷ lệ 0,42%. Chỉ có duy nhất 1 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng phù mắt, mẩn đỏ kèm khó thở trong tổng số 5200 bệnh nhân dùng thuốc. Như vậy, các phản ứng xảy ra với tỷ lệ thấp, mức độ nhẹ và thường cải thiện sau vài ngày ngừng thuốc.

Về liều dùng diclofenac trong trường hợp giảm đau sau mổ, Dược thư Quốc gia Việt Nam (2009) khuyến cáo dùng liều 75 mg tiêm bắp ngày 2 lần hoặc 100 mg đặt trực tràng ngày 2 lần (liều tối đa khuyến cáo là 200 mg/ngày) [1]. Theo Cơ sở dữ liệu thông tin thuốc Martindale ấn bản lần thứ 37, liều thường dùng của diclofenac đường uống hoặc đường trực tràng  là 75-150 mg/ngày, chia thành các liều nhỏ [5]. Tờ thông tin sản phẩm của diclofenac tại Anh và Canada cũng khuyến cáo liều diclofenac đặc trực tràng là 100 mg/ngày, trong trường hợp chưa đạt hiệu quả điều trị ở mức liều này có thể tăng liều lên mức tối đa 150 mg/ngày [6], [7].

     Như vậy, các phản ứng bất lợi liên quan đến diclofenac thường nhẹ, thoáng qua và hồi phục. Để giảm thiểu các phản ứng bất lợi khi sử dụng diclofenac qua đường đặt trực tràng để giảm đau sau phẫu thuật, cán bộ y tế cần cân nhắc điều chỉnh liều thấp nhất có hiệu quả và dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tài liệu tham khảo

  Tài liệu tham khảo  

1. Bộ Y Tế (2009). Dược Thư Quốc Gia Việt Nam. Chuyên luận diclofenac.  

2. USP DP (2001) 21th Ed. Drug information for the healthcare professional Vol 1. Monograph Anti-inflammatory Drugs, Nonsteroidal (Systemic).  

3. McGraw-Hill Medical. Basic and clinical pharmacology 10th Ed. Monograph Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs, Disease-Modifying Antirheumatic Drugs, Nonopioid Analgesics, & Drugs Used in Gout.  

4. Kowalski M. L., et al. Hypersensitivity to nonsteroidal anti inflammatory drugs (NSAIDs) – classification, diagnosis and management: review of the EAACI/ENDA# and GA2LEN/HANNA*. Allergy 66 (2011) 818-829.  

5. Martindale: The Complete Drug Reference © 2013 The Pharmaceutical Press. Monograph diclofenac. Accessed on 11th April 2013.  

6. Home – Electronic Medicines Compendium. Summary of Product Characteristics of Econac 100 mg suppositories. Accessed on 11th April 2013.  

7. Health Canada. Summary of Product Characteristics of Voltaren suppositories. Accessed on 11th April 2013.                                    

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
MỘT SỐ PHẢN ỨNG DỊ ỨNG THƯỜNG GẶP VỚI DICLOFENAC
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: