THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN VÀ NHỮNG NGUY CƠ TRÊN TIM MẠCH
THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN VÀ NHỮNG NGUY CƠ TRÊN TIM MẠCH
 Nguyễn Thu Hường, Nguyễn Mai Hoa dịch

Tóm tắt

Thuốc không kê đơn (OTC) tiềm tàng nhiều nguy cơ liên quan đến tim mạch và huyết áp. Việc hiểu rõ những nguy cơ này rất quan trọng với dược sĩ để tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh các tác dụng không mong muốn khi sử dụng một số thuốc OTC.
Từ khóa:  

Nội dung bài

     Những cảnh báo về bệnh tim và huyết áp

Cho đến nay, một số lớn cảnh báo liên quan đến tim mạch trong tờ hướng dẫn sử dụng các thuốc OTC đều khuyến cáo bệnh nhân tim mạch hoặc tăng huyết áp không sử dụng các thuốc này khi không có giám sát của cán bộ y tế. Tờ hướng dẫn sử dụng của rất nhiều thuốc như các thuốc OTC điều trị nghẹt mũi, bệnh trĩ, đau hoặc đau nửa đầu, viêm kết mạc dị ứng đều có cả hai cảnh báo trên. Dược sĩ có thể khuyến cáo thay thế sử dụng thuốc khác vẫn có hiệu quả điều trị triệu chứng nhưng không gây hại cho bệnh nhân đang có các bệnh lý tim mạch.

Thuốc chống sung huyết mũi

Sung huyết mũi là triệu chứng điển hình của một số bệnh thông thường. Các thuốc chống sung huyết mũi làm giảm triệu chứng chảy nước mũi do dị ứng hoặc do cảm lạnh. Các thuốc này làm co niêm mạc mũi bằng cơ chế co mạch. Khi người mua hỏi về các thuốc chứa thành phần pseudoephedrin (Tiffy FU, Travicol D...), dược sĩ có thể kiểm tra các chống chỉ định như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp. Từ đó, tư vấn cho bệnh nhân những trường hợp cần tránh sử dụng thuốc trừ khi bác sĩ điều trị đã cân nhắc việc sử dụng các thuốc này.

Hầu hết các thuốc chống sung huyết mũi tại chỗ có chứa các hoạt chất như oxymetazolin (Coldi-B, Zycks…), naphazolin (Euvinex, Rhynixsol…) đều có cảnh báo không dùng cho bệnh nhân mắc bệnh tim và tăng huyết áp do thuốc có thể được hấp thu và đạt nồng độ trong máu tới mức gây hại cho bệnh nhân. Nhìn chung, các thuốc này an toàn khi sử dụng theo đúng chỉ dẫn, nhưng khi tư vấn hoặc bán thuốc cho bệnh nhân, dược sĩ nên xác định xem người bệnh có nằm trong danh sách chống chỉ định ghi trong nhãn thuốc hay không. Cũng cần lưu ý rằng tất cả các thuốc chống sung huyết mũi tại chỗ đều có nguy cơ gây viêm mũi do thuốc, đó là tình trạng xương xoăn ở mũi dần dần trở nên sung huyết nhiều hơn khi sử dụng thuốc.       

Thuốc điều trị trĩ

Một số thuốc điều trị trĩ có chứa các chất co mạch như phenylephrin (Hemoprep, Preparation H…) để giảm sưng tấy. Nếu bệnh nhân đọc và tuân thủ theo tất cả các chỉ dẫn trong tờ hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng thì rất ít có khả năng thuốc được hấp thu một lượng đủ lớn để gây tăng huyết áp đáng kể. Tuy nhiên, các thuốc này đều có cảnh báo không nên sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Dược sĩ nên chọn một thuốc điều trị trĩ không chứa chất co mạch cho các bệnh nhân tim hoặc tăng huyết áp để thay thế trong trường hợp này.

 Đau hoặc đau nửa đầu

Các thuốc OTC chứa ibuprofen (Painfree, Ibucare…) và naproxen (hàm lượng naproxen tối đa là 250 mg/đơn vị chia liều như Naxenfen 250 mg, Ameproxen 220…) cũng có khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp không nên sử dụng khi không có sự giám sát của cán bộ y tế. Ngoài ra, trong tờ hướng dẫn sử dụng của những thuốc này còn nhiều cảnh báo khác. Ibuprofen và naproxen được cảnh báo về nguy cơ xảy ra cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ có thể tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng thuốc vượt quá hàm lượng ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc dùng thuốc vượt quá khoảng thời gian điều trị khuyến cáo (ví dụ sử dụng quá 10 ngày để giảm đau hoặc quá 3 ngày để hạ sốt). Các tờ hướng dẫn sử dụng cũng cảnh báo không nên dùng ibuprofen và naproxen “ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật tim”. Tờ hướng dẫn sử dụng của tất cả các thuốc này cũng đều cảnh báo không nên sử dụng nếu bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (The National Institutes of Health) đã cung cấp thêm những thông tin liên quan đến những cảnh báo về tim mạch. Cơ quan này cảnh báo những bệnh nhân dự định dùng ibuprofen (và kể cả naproxen) rằng những cơn đau tim và đột quỵ có nguy cơ tăng lên, xảy ra mà không có các dấu hiệu hoặc triệu chứng báo trước, có thể đe doạ tính mạng. Cơ quan này cũng đưa ra khuyến cáo với bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Tương tác với thuốc lợi tiểu được cảnh báo trong tờ hướng dẫn sử dụng do các thuốc này có thể gây tăng huyết áp. Hơn nữa, việc dùng đồng thời với một số thuốc lợi tiểu (như furosemid) có thể làm tăng độc tính trên thính giác.

Dược sĩ có thể khuyến cáo bệnh nhân tim mạch sử dụng paracetamol khi muốn tự điều trị, không dùng đơn của bác sĩ, các chứng đau hoặc đau nửa đầu. Thuốc này không có các cảnh báo liên quan đến tim hoặc huyết áp.

 Viêm kết mạc dị ứng

Các thuốc co mạch gây tăng huyết áp và nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch (ngay cả khi dùng tại chỗ). Vì vậy, bệnh nhân tim mạch hoặc tăng huyết áp không nên tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt chứa chất co mạch như naphazolin (Opcon-A, Vimacul, V.Rohto…) khi không có giám sát của cán bộ y tế. Dược sĩ nên thận trọng khuyến cáo bệnh nhân tim mạch dự định dùng thuốc nhỏ mắt chứa chất co mạch cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt khi trong tờ hướng dẫn sử dụng không có cảnh báo. Hiện vẫn chưa có thuốc thay thế để làm giảm nhẹ tình trạng đau mắt đỏ mức độ nhẹ. Bệnh nhân có thể được tư vấn một cách đơn giản là cố gắng chịu đựng trong khoảng 72 giờ vì phần lớn các trường hợp đều nhẹ và tự khỏi. Nếu các triệu chứng vẫn dai dẳng sau đó thì cần khám bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn.

 Cafein

Một số thuốc phối hợp điều trị đau đầu và đau bụng kinh có chứa cafein (Hapacol Extra, Midocold…). Cafein có thể gây tăng nhịp tim và không nên dùng ở bệnh nhân đang có bệnh lý tim mạch.


 

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN VÀ NHỮNG NGUY CƠ TRÊN TIM MẠCH
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: