Tóm tắt
Nội dung bài
Ðể triển khai được dự án này, Trung tâm DI&ADR Quốc gia đã phối hợp cùng với nhóm biên soạn trong nước, bao gồm các cán bộ từ các cơ quan của Bộ Y tế, các trường đại học Y Dược tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số bệnh viện trong cả nước. Trong quá trình biên soạn, Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật to lớn từ tổ chức Khoa học quản lý sức khỏe Hoa Kỳ (MSH/SPS), đặc biệt là TS. Mohan Joshi và bà Marcy Garb trong việc xây dựng khung chương trình và tài liệu hướng dẫn dành cho giảng viên. Tài liệu Cảnh giác Dược được biên soạn dưới dạng các slide bài giảng, gồm
2 phần, trong đó:
- Phần 1 (chương 1 – 4) gồm các kiến thức đại cương
- Phần 2 (chương 5 – 8) gồm kiến thức chuyên sâu cho cán bộ y tế tại bệnh viện và ba chương trình Y tế Quốc gia (HIV/AIDS, Lao, Sốt rét)
Ngày 4/5/2012, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã tổ chức Hội thảo giới thiệu về tài liệu này, với sự tham dự của đại diện Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), một số Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam (WHO, MSH/SPS/SCMS), một số bệnh viện, các trường đại học Y Dược trên địa bàn Hà Nội cùng các cơ quan báo chí như Tạp chí Dược học, Tạp chí Y học Thực hành.
Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo từ các chuyên gia đầu ngành, từ đại diện phía Sở Y tế và bệnh viện đều đánh giá cao vai trò của bộ tài liệu đối với công tác đào tạo về Cảnh giác Dược, đồng thời mong muốn bộ tài liệu sẽ tiếp tục được cập nhật, chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất với điều kiện thực tế tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng Cảnh giác Dược cho cán bộ y tế.
Hội thảo “Giới thiệu tài liệu giảng dạy Cảnh giác Dược và An toàn thuốc cho cán bộ y tế” là một dấu ấn quan trọng trong nỗ lực của Trung tâm DI & ADR Quốc gia cùng các nhóm chuyên môn để xây dựng một tài liệu đầu tiên bằng tiếng Việt về lĩnh vực này, tạo cơ sở phát triển thành một bộ giáo trình chính thức sử dụng trong đào tạo Cảnh giác Dược cho cán bộ tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.