Hiệu quả của các thuốc phối hợp kháng sinh Cephalosprin thế hệ 3 và chất ức chế beta-lactamase
Hiệu quả của các thuốc phối hợp kháng sinh Cephalosprin thế hệ 3 và chất ức chế beta-lactamase
Nguyễn Mai Hoa, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Đăng Hòa 

Tóm tắt

Việc sử dụng các chất ức chế beta- lactamase kết hợp với kháng sinh beta-lactam hiện tại được coi là biện pháp hiệu quả chống lại cơ chế kháng thuốc đặc hiệu của vi khuẩn. Phổ kháng khuẩn của kháng sinh được mở rộng trên các chủng vi khuẩn đề kháng do khả năng ức chế dẫn đến bất hoạt đa số beta-lactamase tiết ra bởi vi khuẩn gram âm, gram dương và vi khuẩn kỵ khí. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy chế phẩm phối hợp có hiệu quả trong điều trị kinh nghiệm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng da và mô mềm. Cũng có các bằng chứng ghi nhận hiệu quả điều trị của các kháng sinh này trong điều trị sốt giảm bạch cầu trung tính và nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt khi kết hợp với các kháng sinh khác [5]. Hiện nay, các chế phẩm phối hợp kháng sinh beta-lactam và chất ức chế beta-lactamase được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý dược phẩm uy tín trên thế giới và được sử dụng rộng rãi bao gồm amoxicilin/acid clavulanic, ticarcilin/acid clavulanic, ampicilin/sulbactam và piperacilin/ tazobactam. Chế phẩm phối hợp của kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 được nghiên cứu nhiều nhất là cefoperazon/sulbactam, tuy nhiên, chế phẩm này chưa được lưu hành ở Hoa Kỳ [4]. Bài viết này tập trung phân tích về hiệu quả và độ an toàn của phối hợp giữa các kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 với chất ức chế beta- lactamase qua các tài liệu tập hợp được.
Từ khóa:  

Nội dung bài

1. Cefoperazon/sulbactam

Sulbactam là một chất ức chế beta- lactamase bán tổng hợp, có khả năng ức chế các beta-lactamase sản xuất do đột biến qua trung gian plasmid và nhiễm sắc thể - nguyên nhân dẫn đến kháng các cephalosporin thế hệ ba. Sulbactam được phát triển dưới dạng phối hợp với ampicilin [2]. Cefoperazon/sulbactam là một chế phẩm phối hợp khác của sulbactam, nhưng vai trò điều trị thực sự của thuốc hiện chưa được biết đến đầy đủ như với phối hợp ampicilin/
sulbactam [1].

Các dữ liệu in vitro cho thấy cefoperazon có tác dụng hiệp đồng khi phối hợp với chất ức chế beta-lactamase sulbactam [1]. Việc kết hợp sulbactam với cefoperazon giúp mở rộng phổ kháng khuẩn của cefoperazon trên
Acinetobacter baumanii và một số vi khuẩn Gram âm tiết ra beta-lactamase phổ rộng (extended spectrum beta-lactamase – ESBL). Ngoài ra,
cefoperazon/sulbactam còn có hoạt tính chống lại các chủng vi khuẩn kỵ khí Bacteroides.
Với phổ kháng khuẩn này, cefoperazon/
sulbactam có thể hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng gây ra bởi cả vi khuẩn tiết ra
beta-lactamase và không tiết ra beta-lactamase, bao gồm nhiễm trùng ổ bụng, gan mật, sản phụ khoa, hô hấp, tiết niệu và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn gram âm [5]. Cefoperazon/sulbactam được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiễm khuẩn gram âm, kể cả Acinetobacter baumanii đa kháng [2]. Hiệu quả điều trị của cefoperazon/sulbactam
được nghiên cứu lâm sàng trên: nhiễm trùng ổ bụng; sốt liên quan đến nhiễm trùng ở bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính; nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện, trong đó chủ yếu là viêm phổi mắc phải ở bệnh viện; nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật; nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn tiết ra
beta-lactamase phổ rộng (ESBL).

 2. Ceftriaxon/tazobactam

Tazobactam là một chất ức chế beta
-lactamase, có cấu trúc tương tự sulbactam, có tác dụng hiệp đồng in vitro với nhiều kháng sinh beta-lactam như penicilin G, ampicilin hoặc piperacilin để chống lại các chủng vi khuẩn tiết ra beta-lactamase. Tuy nhiên, chỉ có chế phẩm phối hợp piperacilin/tazobactam được phê duyệt sử dụng trên lâm sàng [2]. Hiệu quả của các việc phối hợp tazobactam với các kháng sinh khác, như ceftriaxon mới chỉ được đánh giá hạn chế trong một số ít nghiên cứu in vitro. Hiệu quả của việc phối hợp ceftriaxon với tazobactam
cũng đã được đánh giá trên mô hình động vật, cho thấy tác dụng của cặp phối hợp ceftriaxon
và tazobactam trong việc giảm đáng kể số lượng vi khuẩn quanh ổ nhiễm trùng. Tuy nhiên, chỉ dựa đơn thuần trên các nghiên cứu ở động vật chưa cho phép khẳng định hiệu quả và độ an toàn của các thuốc khi sử dụng trên người.

 3. Cefixim/acid clavulanic

Acid clavulanic là một chất ức chế beta-lactamase tự nhiên được phân lập từ nấm
Streptomyces clavuligerus. Mặc dù có cấu trúc vòng beta-lactam nhưng không giống như các kháng sinh penicilin hay cephalosporin, acid
clavulanic có hoạt tính kháng khuẩn yếu. Hai dạng chế phẩm phối hợp kháng sinh beta-lactam với acid clavulanic được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng là amoxicilin/acid clavulanic và  ticarcilin/acid clavulanic [2]. Các dạng phối hợp khác như cefixim/acid clavulanic chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Không có thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng nào đã được tiến hành đánh giá các chế phẩm phối hợp cephalosporin thế hệ 3 đường uống (cefixim và cefpodoxim) kết hợp với acid clavulanic so với dạng dùng đơn độc. Vì vậy, trong những trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, khuyến cáo nên điều trị bằng các kháng sinh phổ rộng hơn và không sử dụng các chế phẩm phối hợp với acid clavulanic [3].

Tóm lại, chỉ có một số thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ghi nhận hiệu quả điều trị của cefoperazon/sulbactam trong nhiễm trùng ổ bụng, sốt liên quan đến nhiễm trùng ở bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính, nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện. Nghiên cứu về các chỉ định khác, như nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật, nhiễm trùng đường niệu… còn hạn chế với cỡ mẫu nghiên cứu còn nhỏ để có thể đưa ra khẳng định về hiệu quả của thuốc. Hiệu quả của các cặp phối hợp ceftriaxon/sulbactam và cefixim/acid clavulanic chỉ được đánh giá in vitro với số lượng nhỏ nghiên cứu được tiến hành. Chưa có thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng nào được thực hiện để kiểm chứng hiệu quả và độ an toàn của các thuốc này. Trên thực tế, có rất ít cơ quan quản lý dược phẩm trên thế giới cấp phép lưu hành các chế phẩm này trên thị trường. Chế phẩm phối hợp ceftriaxon/sulbactam và cefixim/acid clavulanic chỉ được cấp phép lưu hành tại thị trường Ấn Ðộ.

Tài liệu tham khảo

1. Thomson Reuters. Micromedex 2.0. Monograph Cefoperazone/sulbactam, accessed on 14th November, 2011.

2. M Lindsay Grayson, et al (2010), Kucers' the Use of Antibiotics. Edward Arnold (Publishers) Ltd.

3. Ghosh TK. Cephalosporins with clavulinic acid (2009), Indian Pediatr. 46(1):80.

4. Nelson Lee, Kwok-Yung Yuen, Cyrus R. Kumana (2003), Clinical Role of β-Lactam/β-Lactamase Inhibitor Combinations, Drugs. 63 (14): 1511-1524.

5. John D. Williams (1997), Beta-Lactamase Inhibition and In Vitro Activity of Sulbactam and Sulbactam/Cefoperazone, Clinical Infectious Diseases. 24:494-7.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
Hiệu quả của các thuốc phối hợp kháng sinh Cephalosprin thế hệ 3 và chất ức chế beta-lactamase
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: