Nội dung bài
Ông X là 1 khách hàng lâu năm đưa cho dược sỹ của hiệu thuốc quen xem kết quả xét nghiệm của mình:
- Ông X: Tôi uống simvastatin (Zocor) từ 2 tháng nay: vì thấy đau cơ, nên bác sỹ đã cho thử máu để xem có phải do thuốc không. Transaminase của tôi cao. Vậy có liên quan gì đến chứng đau của tôi không? Và có phải báo cho bác sỹ không?
- Dược sỹ: chỉ có creatin – phosphokinase có chiều hướng tăng khi có tổn thương cơ. Trong trường hợp của ông, men này bình thường. Còn transaminase đôi khi có thể tăng khi uống Zocor. Ông có kết quả lần thử máu trước khi bắt đầu điều trị không?
- Ông X: Có
- Dược sỹ: Vậy thì ông hãy gặp bác sỹ để đối chiếu kết quả. Nên nhớ rằng có một số tình huống không hẳn là bệnh lý có thể làm transaminase thay đổi. Trong khi chờ đợi, ông vẫn nên tiếp tục uống thuốc.
Bàn luận
Transaminase: Transaminase là những enzym khu trú chủ yếu ở bào tương của các tế bào gan, tim, thận, hoặc cơ, vì vậy nếu nồng độ của các enzyme này tăng trong huyết tương chứng tỏ có sự tiêu hủy tế bào. Thông thường xác định hoạt độ của hai transaminase là alanin – amino transferase ALAT (tên cũ là SGPT) có mặt chủ yếu ở gan và do đó thường tăng khi gan bị tổn thương; aspartat – amino transferase ASAT (tên cũ là SGOT) chủ yếu có ở tim, ngoài ra còn có ở gan. Do đó enzym này tăng nhiều trong các trường hợp tổn thương cơ tim (như nhồi máu cơ tim).
- Giá trị bình thường (N) ở trong khoảng 4 đến 40 UI/L đối với ALAT và cả ASAT. Có 1 số trạng thái sinh lý có thể làm thay đổi nhẹ các transaminase như: mang thai (-20%), thừa cân (+10% ở phụ nữ và 50% ở nam giới) uống rượu (+10 đến 40%), thiếu hụt vitamin B6 (-20% với ALAT), sử dụng một số thuốc: chống động kinh (+15%), thuốc tránh thai đường uống (+15%), thuốc gây độc gan (xem bảng 1).
- Các thay đổi bệnh lý có thể quan trọng hơn nhiều khi giá trị transaminase > 10N như viêm gan siêu vi trùng cấp (ALAT > ASAT) viêm gan do thuốc và các chất độc, tắc đường dẫn mật chính, tổn thương tim (nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim). Có thể ghi nhận những sự tăng đến 100N (trong nhồi máu cơ tim, ASAT tăng vào giờ thứ 6, đạt đỉnh vào giờ thứ 36 rồi trở về bình thường ở khoảng ngày thứ 6 sau cơn nhồi máu.
- Giữa 2N và 10N: viêm gan nhiễm khuẩn (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, nhiễm virus hợp bào đường hô hấp, thủy đậu và zona, HIV, bệnh do toxoplasma, nhiễm Salmonella, bệnh viêm phổi do Legionella, giang mai…) và tổn thương gan thứ phát (lupus, viêm đa khớp dạng thấp, bệnh Horton, viêm quanh động mạch có cục…).
- Tăng kéo dài (>6 tháng): bệnh lý gan mãn tính (viêm gan do rượu, xơ gan, nhiễm mỡ gan, ung thư gan).
- Một thông số quan trọng khác là tỷ số ASAT / ALAT. Thông số này thường giúp định hướng chẩn đoán trong các bệnh gan mật. Thí dụ: tỷ lệ <1 gặp trong viêm gan virus cấp, >1 trong tiêu tế bào cơ và >2 trong 70% các ca nhiễm mỡ (do rượu, béo phì, đái tháo đường) và viêm gan mạn (do virus, do thuốc, tự miễn…).
Creatin phosphokinase (CPK)
Enzym này có trong nhiều cơ quan, giúp lập lại dự trữ năng lượng ATP để tế bào sử dụng. Các biến đổi sinh lý của CPK có thể do: gắng sức (tăng gấp 2 hoặc 3 lần), tiêm bắp trước khi lấy máu (tăng gấp 2 lần). Trong thực tế, xét nghiệm CPK thường được tiến hành trong trường hợp nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ hoặc tăng nhiệt ác tính (xuất hiện trong tiêu cơ rất nặng kèm sốt cao, đôi khi xuất hiện trong quá trình sử dụng một số thuốc khởi mê). Các statin cũng có thể là nguyên nhân tiêu cơ vân và do đó làm tăng CPK.
Gammaglutamyl transferase (γ-GT): là một enzym có ở màng tế bào của nhiều cơ quan (gan, thận, tụy). Alcol ethylic kích thích tổng hợp enzym này (trên 2 lần giá trị bình thường) nên γ-GT được coi là dấu hiệu có thể tin cậy về chứng nghiện rượu và việc định lượng γ-GT cho phép theo dõi tuân thủ một chế độ sinh hoạt kiêng rượu của bệnh nhân. Tuy vậy, enzym này không tăng trong trường hợp nhiễm độc rượu cấp tính, mà khoảng 3 tuần sau nhiễm độc mới quan sát thấy hàm lượng enzym này tăng. Tăng γ-GT không phải là đặc hiệu cho riêng chứng nghiện rượu mà còn tăng trong trường hợp thừa cân, bệnh gan – mật, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, thiểu năng tuyến giáp, cơn động kinh hoặc cả khi dùng một số thuốc (xem bảng 1).
Phosphatase kiềm
Phosphatase kiềm có mặt khắp nơi trong cơ thể nhưng tập trung chủ yếu ở gan, xương, ruột, thận và bạch cầu. Enzym này tăng trong:
- Các bệnh gan: ứ mật trong gan (viêm gan, xơ gan) và ứ mật ngoài gan (do sỏi, ung thư), ung thư gan, sử dụng các thuốc độc với gan. Trong những bệnh này, sự tăng phosphatase kiềm thường kèm tăng các thông số khác của gan: gamma GT, transaminase (ALAT) và bilirubin.
- Các bệnh về xương: nhuyễn xương, còi xương, bệnh Paget, ung thư xương, tăng năng tuyến cận giáp kèm tổn thương xương. Về mặt sinh lý, cũng có thể thấy sự tăng phosphatase kiềm ở trẻ em đang ở độ tuổi phát triển (tăng tạo xương), ở phụ nữ mang thai (thai kỳ thứ ba) và mãn kinh. Ngoài ra, một số thuốc có thể ảnh hưởng đến hàm lượng phosphatase kiềm (xem bảng 2).
Tài liệu tham khảo
Le Moniteur des pharmacies 2009, 78(2800): 8-9