SỬ DỤNG HỢP LÝ CÁC THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN TRONG ĐIỀU TRỊ CẢM LẠNH VÀ DỊ ỨNG
SỬ DỤNG HỢP LÝ CÁC THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN TRONG ĐIỀU TRỊ CẢM LẠNH VÀ DỊ ỨNG
Nguyễn Hải Đăng, Phạm Thị Thu Hà, Cao Thị Thu Huyền (lược dịch và tổng hợp) 

Tóm tắt

Việc sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường và viêm mũi dị ứng ngày càng trở nên phổ biến với nhiều loại chế phẩm đa dạng. Các nhóm thuốc điều trị chính bao gồm: thuốc trị nghẹt mũi, thuốc kháng histamin, corticosteroid dạng xịt, thuốc giảm ho, thuốc long đờm và thuốc giảm đau hạ sốt. Dược sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn lựa chọn thuốc dựa trên nhu cầu và tình trạng sức khỏe của người bệnh, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý và ngăn ngừa lạm dụng thuốc, giúp tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ từ các thuốc OTC. Các thuốc không kê đơn (OTC) điều trị cảm lạnh và dị ứng ngày càng được sử dụng rộng rãi và chiếm một tỷ lệ đáng kể trong thị phần của thuốc OTC nói chung. Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm virus cấp tính, tự giới hạn ở đường hô hấp trên, chủ yếu do chủng Rhinovirus gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm ho, nghẹt mũi, sốt nhẹ và mệt mỏi, thường xuất hiện từ 1 đến 2 ngày sau khi nhiễm bệnh và giảm dần trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể kéo dài đến 3 tuần. Các loại thuốc sẵn có giúp làm giảm các triệu chứng kiểu cảm lạnh bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc long đờm, thuốc giảm ho và thuốc giảm đau hạ sốt, có thể dưới dạng đơn độc hoặc phối hợp. Một số lựa chọn phổ biến về thuốc OTC để giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng bao gồm corticosteroid dạng xịt mũi, thuốc kháng histamin và thuốc trị nghẹt mũi. Điểm đáng chú ý là các thuốc OTC có thể gây hại cho trẻ dưới 2 tuổi; vào năm 2008, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến cáo tránh dùng các thuốc OTC trong điều trị cảm lạnh và dị ứng cho lứa tuổi này. Kể từ đó, các nhà sản xuất đã cập nhật nhãn thuốc với cảnh báo “Không sử dụng cho trẻ dưới 4 tuổi”. Đối với trẻ em trong khoảng từ 4 đến 6 tuổi, các bằng chứng lâm sàng về lợi ích của việc sử dụng các thuốc trên còn hạn chế.
Từ khóa:  

Nội dung bài

Thuốc trị nghẹt mũi

Đối với triệu chứng nghẹt mũi, các thuốc đường toàn thân hoặc tại chỗ đều có thể có hiệu quả. Thuốc trị nghẹt mũi là chất chủ vận adrenergic, có tác dụng làm co các mao mạch trong mũi và giảm phù nề niêm mạc. Các thuốc trị nghẹt mũi đường toàn thân phổ biến là phenylephrin và pseudoephedrin, trong khi các thuốc tại chỗ bao gồm các hoạt chất có tác dụng ngắn (ephedrin, naphazolin và phenylephrin) và tác dụng kéo dài (oxymetazolin).

Pseudoephedrin đường uống được cho là có tác dụng tốt hơn phenylephrin. Các nghiên cứu cho thấy pseudoephedrin cho hiệu quả vượt trội hơn so với cả phenylephrin và placebo, trong khi phenylephrin không có khác biệt đáng kể so với
placebo. Điều này có thể do phenylephrin bị chuyển hóa mạnh trong cơ thể, dẫn đến sinh khả dụng thấp. Mặc dù hiện vẫn được sử dụng phổ biến trong điều trị cảm lạnh và dị ứng, hiệu quả của phenylephrin đường uống còn gây nhiều nghi vấn. Trong khi đó, tuy đã được chứng minh là có hiệu quả điều trị nghẹt mũi, pseudoephedrin lại được quản lý chặt chẽ tại Hoa Kỳ do nguy cơ bị sử dụng sai mục đích liên quan đến việc sản xuất methamphetamin trái phép.

Thuốc trị nghẹt mũi tại chỗ tác động trực tiếp lên niêm mạc mũi và ít gây tác dụng không mong muốn hơn do khả năng hấp thu toàn thân hạn chế. Tuy nhiên, các chế phẩm này chỉ nên được sử dụng không quá từ 3 đến 5 ngày để tránh hiện tượng tắc ngạt mũi do quá liều (hay còn gọi là viêm mũi phụ thuộc thuốc).

Nhìn chung, thuốc trị nghẹt mũi tương đối an toàn khi được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, các thuốc này cũng có thể gây tác dụng không mong muốn như mất ngủ, tăng huyết áp, bồn chồn, lo lắng, nhịp tim nhanh và rối loạn chức năng tiết niệu. Cần tránh dùng thuốc ở người có tiền sử bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường và phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Ngoài ra, không nên dùng đồng thời thuốc trị nghẹt mũi với các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO) vì sự phối hợp này có thể gây tăng huyết áp ở mức đe dọa tính mạng người bệnh.

 

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng như sổ mũi, ngứa, chảy nước mắt và hắt hơi bằng cách ngăn cản histamin gắn vào thụ thể H1 và giải phóng histamin từ tế bào mast. Thuốc kháng histamin được chia thành hai thế hệ: thế hệ I (ví dụ:
diphenhydramin, chlorpheniramin) và thế hệ II (ví dụ: loratadin, cetirizin). Thuốc kháng histamin thế hệ I thường gây ra các tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh trung ương như buồn ngủ và suy giảm nhận thức do cấu trúc phân tử có bản chất thân lipid giúp thuốc dễ dàng vượt qua hàng rào máu não. Vì vậy, các thuốc này không được khuyến cáo sử dụng trên người cao tuổi. Trong khi đó, đối với trẻ nhỏ, diphenhydramin lại có liên quan đến các phản ứng kích thích nghịch thường, dẫn đến cáu gắt, tăng động và mất ngủ.

Thuốc kháng histamin thế hệ II có tính kỵ lipid cao hơn, dẫn đến khả năng thâm nhập hàng rào máu não kém hơn và tác dụng an thần thấp hơn so với thế hệ I. Các thuốc này có thời gian bán hủy dài hơn, cho phép dùng liều một hoặc hai lần mỗi ngày, khác với các thuốc thế hệ I cần sử dụng nhiều liều hàng ngày do thời gian bán hủy ngắn. Mặc dù thuốc kháng histamin thế hệ I kiểm soát hiệu quả các triệu chứng như sổ mũi, ngứa, chảy nước mắt và hắt hơi, nhưng thuốc kháng histamin thế hệ II được ưa chuộng hơn do tính an toàn và hiệu quả được cải thiện cũng như tính chọn lọc trên thụ thể histamin tốt hơn.

 

Corticosteroid dạng xịt

Corticosteroid dạng xịt mũi là các chất chống viêm mạnh, có hiệu quả trong việc giảm hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi và ngứa mũi. Các thuốc này thường được dung nạp tốt với các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là gây kích ứng tại chỗ như khô, rát hoặc chảy máu cam. Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể xuất hiện phản ứng toàn thân. Để tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ về tác dụng toàn thân của thuốc, kỹ thuật xịt mũi đúng cách là rất quan trọng.

 

Thuốc giảm ho

Dextromethorphan là một thành phần giảm ho phổ biến trong các chế phẩm OTC, giúp giảm cơn ho do cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Khi dùng quá liều, dextromethorphan có thể gây ảo giác tương tự như phencyclidin và ketamin, dẫn đến xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc. Các tác động sinh lý tiềm tàng khi sử dụng dextromethorphan liều cao bao gồm nhịp tim nhanh, biến đổi trạng thái tâm lý, tăng huyết áp, co giật, hôn mê, ngừng hô hấp và ngừng tim. Nguy cơ lạm dụng
dextromethorphan đã dẫn đến việc nhiều bang tại Hoa Kỳ phải ban hành luật cấm bán thuốc này cho trẻ vị thành niên. Trong khi đó, tại Việt Nam, dextromethorphan đã không còn nằm trong Danh mục Thuốc không kê đơn được Bộ Y tế ban hành theo Thông tư 07/2017/TT-BYT ngày 03/05/2017.

 

Thuốc long đờm

Thuốc long đờm là những chất thường được sử dụng để làm loãng đờm và giảm lượng đờm trong nhiều tình trạng bệnh lý hô hấp. Thuốc được coi là tương đối an toàn và không liên quan đến các tương tác thuốc có ý nghĩa lâm sàng. Khi sử dụng ở liều khuyến cáo, thuốc được dung nạp tương đối tốt, tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là rối loạn hệ tiêu hóa.

Tại Việt Nam, theo Công văn số 10367/QLD-ĐK ngày 31/08/2010 của Cục Quản lý Dược, các chế phẩm chứa thành phần long đờm như acetylcystein và carbocistein có chống chỉ định đối với trẻ em dưới 2 tuổi.

 

Thuốc giảm đau

Các thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn như paracetamol, aspirin, ibuprofen và naproxen thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng đau toàn thân, đau đầu và sốt liên quan đến cảm lạnh thông thường và các bệnh khác do virus. Mặc dù thường được coi là có hiệu quả như nhau trong việc kiểm soát các triệu chứng trên, các thuốc này cần được sử dụng một cách thận trọng vì có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Những người có tiền sử dị ứng với aspirin, người đang bị loét dạ dày tá tràng cần tránh dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, cần lưu ý về nguy cơ biến cố trên tim mạch, đặc biệt là biến cố huyết khối tim mạch nghiêm trọng (bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ), của các thuốc NSAID không phải aspirin. Nguy cơ này cũng đã được cảnh báo tại Việt Nam theo Công văn số 5749/QLD-ĐK ngày 27/04/2017 của Cục Quản lý Dược.

Đối với thành phần codein trong các chế phẩm dạng phối hợp để điều trị triệu chứng ho khan, kích ứng hoặc giảm đau, theo Công văn số 12973/QLD-ĐK ngày 07/07/2016 của Cục Quản lý Dược, chỉ định của các thuốc này đã được giới hạn cho đối tượng bệnh nhân trên 12 tuổi. Với chỉ định giảm đau, thuốc chứa codein chỉ được sử dụng trong trường hợp giảm đau cấp tính ở mức độ trung bình khi các thuốc giảm đau khác như paracetamol hay ibuprofen (đơn độc) không có hiệu quả.

 

Vai trò của dược sĩ

Dược sĩ có thể đảm bảo việc sử dụng các thuốc OTC trong điều trị cảm lạnh và dị ứng một cách an toàn và hiệu quả thông qua các chỉ dẫn chuyên môn. Dược sĩ có thể tư vấn người bệnh để lựa chọn sản phẩm phù hợp dựa trên nhu cầu cụ thể và tiền sử bệnh của mình. Dược sĩ cũng có thể xác định các tương tác thuốc tiềm ẩn và giáo dục người bệnh về các tác dụng không mong muốn thường gặp. Hơn nữa, dược sĩ có thể giúp ngăn chặn việc sử dụng thuốc OTC không hợp lý bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo tờ hướng dẫn sử dụng và tránh việc dùng thuốc không cần thiết. Khi cung cấp thông tin và hướng dẫn toàn diện về thuốc, dược sĩ có thể giúp người bệnh đưa ra quyết định sáng suốt về việc sử dụng thuốc OTC và góp phần cải thiện sức khỏe của họ.

 

Kết luận

Thuốc OTC trong điều trị cảm lạnh và dị ứng vẫn là một nền tảng của chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp giảm nhẹ các triệu chứng thông thường cho người bệnh. Người dược sĩ có thể đóng góp đáng kể cho hệ thống y tế cộng đồng thông qua việc cung cấp các hướng dẫn chuyên môn để đảm bảo người bệnh nhận được lợi ích tối ưu đồng thời giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn từ các loại thuốc sẵn có này.

 

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
SỬ DỤNG HỢP LÝ CÁC THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN TRONG ĐIỀU TRỊ CẢM LẠNH VÀ DỊ ỨNG
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: