TỔNG KẾT CÔNG TÁC BÁO CÁO ADR NĂM 2022
TỔNG KẾT CÔNG TÁC BÁO CÁO ADR NĂM 2022
Trần Ngân Hà 
Từ khóa:  

Nội dung bài

Năm 2022, Trung tâm DI&ADR Quốc gia và Trung tâm DI&ADR khu vực TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý 19591 báo cáo (đạt 199 báo cáo/1 triệu dân). Trong đó, 14942 báo cáo ADR được gửi từ các cơ sở khám, chữa bệnh; 2711 báo cáo ADR xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm (17 báo cáo trùng với báo cáo từ các cơ sở khám, chữa bệnh); và 1955 báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.

Số lượng báo cáo nhận được từ năm 2003 đến năm 2022 được trình bày trong hình 1.

Trong số các báo cáo đã tiếp nhận, có 19352 (98,75%) báo cáo về biến cố bất lợi của thuốc, 109 (0,6%) báo cáo về chất lượng thuốc, 15 (0,08%) báo cáo về sai sót trong sử dụng thuốc và 132 (0,67%) báo cáo về các vấn đề khác (báo cáo liên quan đến thiết bị y tế, sử dụng với chỉ định chưa được phê duyệt…). Chi tiết số lượng báo cáo đã nhận được lũy tiến theo từng tháng trong năm 2022 được trình bày trong hình 2.

I. BÁO CÁO ADR TỪ CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH

1. Tình hình báo cáo từ các đơn vị 

Năm 2022, 847 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã gửi báo cáo ADR (giảm 2,6% so với năm 2021). Phần lớn báo cáo được gửi từ các đơn vị ở Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, từ các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa và bệnh viện thuộc khối các bệnh viện công lập (hình 3). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội có tỷ lệ báo cáo cao nhất chiếm tỷ lệ tương ứng 34,1% và 15,2% tổng số báo cáo của tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Các tỉnh/thành phố có số báo cáo/1 triệu dân cao hơn 200 báo cáo/1 triệu dân bao gồm thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, thành phố Hải Phòng và tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, thành phố Đà Nẵng là địa phương có công tác báo cáo ADR hiệu quả nhất với số báo cáo/1 triệu dân đạt 663,3 báo cáo/1 triệu dân (hình 4 và hình 5). Các đơn vị có số lượng báo cáo ADR cao tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó bệnh viện Bình Dân duy trì là đơn vị có số báo cáo ADR nhiều nhất trong cả nước, chiếm 2,7% tổng số báo cáo ADR từ các đơn vị khám, chữa bệnh (Bảng 1).


Cán bộ y tế gửi báo cáo chủ yếu là dược sĩ (50,4%), bác sĩ - y sĩ (25,3%) và tiếp theo là điều dưỡng và nữ hộ sinh (18,8%) (Hình 6).


2. Các thuốc nghi ngờ gây ADR được báo cáo nhiều nhất 

Trong 14942 báo cáo có 102 báo cáo về chất lượng thuốc và 1 báo cáo loại khác (mỹ phẩm), do đó thông tin về thuốc nghi ngờ được thống kê trên 14739 báo cáo, tương ứng với 17820 thuốc nghi ngờ (tỷ lệ 1,2 thuốc/1 báo cáo). Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong các báo cáo ADR thuộc 2 nhóm chính: kháng sinh (ceftriaxon, cefotaxim,  vancomycin, ciprofloxacin, cefoperazon, levofloxacin, cefazolin, ampicilin/sulbactam và amoxicilin/chất ức chế betalactamase) và nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm (diclofenac). Ceftriaxon là thuốc nghi ngờ được báo cáo nhiều nhất với tỷ lệ 7,9%.



II. BÁO CÁO ADR TỪ CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT, KINH DOANH DƯỢC PHẨM

Trong năm 2022, 60 cơ sở kinh   doanh dược đã gửi báo cáo ADR đơn lẻ, 67 đơn vị sản xuất và kinh doanh dược phẩm đã gửi báo cáo tổng hợp định kỳ (PSUR, PBRER…) và 71 cơ sở kinh   doanh dược đã gửi báo cáo an toàn (2A, 2B) về Trung tâm DI & ADR Quốc gia và Trung tâm DI & ADR khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Tổng số báo cáo ADR xảy ra tại Việt Nam đã được các cơ sở kinh doanh dược ghi nhận là 2711 (giảm 8,7% so với năm 2021). Trong đó, công ty    Orient Europharma Pte., Ltd. có số lượng báo cáo nhiều nhất (24,4%). Các thuốc nghi ngờ được báo cáo nhiều nhất từ các cơ sở kinh doanh dược thuộc 4 nhóm chính: thuốc adrenergic dạng hít (phối hợp beclometason dipropionat/formoterol fumarat và beclometason dipropionat/formoterol fumarat/glycopyrronium); nhóm kháng thể đơn dòng, phức hợp thuốc-kháng thể (rituximab, trastuzumab,  pertuzumab, atezolizumab); thuốc điều chỉnh lipid (atorvastatin, rosuvastatin) và thuốc ức chế miễn dịch (methotrexat và tacrolimus). Trong đó, phối hợp beclometason dipropionat/formoterol fumarat được báo cáo nhiều nhất với tỷ lệ 19,9%.

III. BÁO CÁO ADR TỪ NGHIÊN CỨU THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG

Năm 2022, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã nhận được 1955 báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng (tăng 62,9% so với năm 2021) xảy ra trong 79 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, từ 65 đơn vị nhận thử nghiệm lâm sàng.

IV. CÁC TRƯỜNG HỢP KHẨN LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN THUỐC

Trong năm 2022, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã xử lý 49 trường hợp phản hồi khẩn liên quan tới an toàn thuốc. Trong đó, 33 trường hợp là báo cáo ADR khẩn phản hồi cho cán bộ y tế và đơn vị gửi báo cáo ADR và 16 trường hợp công văn cung cấp thông tin về an toàn thuốc cho các cơ quan quản lý của Bộ Y tế. Trong các trường hợp báo cáo ADR khẩn, 23 trường hợp tử vong, 5 trường hợp chưa hồi phục và 4 trường hợp chuỗi báo cáo mà phản ứng có hại xảy ra với cùng một lô thuốc trong một thời gian ngắn (bao gồm các chế phẩm Tenafathin,        Omnipaque, Remdesivir, Hwazon 1g và dung môi pha truyền Natri Clorid 0,9% 100ml). Song song với công tác phản hồi khẩn cho cá nhân, đơn vị gửi báo cáo ADR, Trung tâm DI & ADR Quốc gia cũng cập nhật các thông tin về an toàn thuốc gửi cơ quan quản lý của Bộ Y tế bao gồm:

- Cập nhật thông tin về an toàn và hiệu quả của thuốc molnupiravir.

- Cung cấp thông tin về hiệu quả và an toàn của các thuốc kháng virus điều trị Covid-19.

- Cung cấp thông tin về việc ngừng lưu hành các dịch truyền chứa Hydroxyethyl-Starch (HES).

- Cung cấp thông tin dược lý lâm sàng của thuốc chứa progesteron 10mg/g (gel).

- Cung cấp thông tin về việc Pfizer thu hồi thuốc chứa quimapril do chứa tạp chất nitrosamin.

- Khuyến cáo theo dõi tuyến giáp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được tiêm thuốc cản quang chứa iod.

- Cung cấp thông tin về chuỗi báo cáo ADR liên quan đến chế phẩm  Hwazon 1g và dung dịch Natri clorid 0,9% 100ml.

- Cập nhật chống chỉ định, cảnh báo và thận trọng của etifoxin.

- Cảnh báo tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh dưới 65 tuổi liên quan đến việc sử dụng dexmedetomidin.

- Khuyến cáo mới về theo dõi bệnh nhân sử dụng metformin có yếu tố nguy cơ giảm vitamin B12 huyết thanh.

- Cung cấp thông tin về việc tránh sử dụng các thuốc NSAIDs cho phụ nữ có thai từ tuần thứ 20 trở đi lên.

- Cung cấp thông tin về khuyến cáo mới liên quan đến các thuốc chứa terdipressin.

- Cung cấp thông tin về việc thay đổi điều kiện kê đơn và cấp phát các thuốc chứa topiramat.

- Cảnh báo nguy cơ gặp phản ứng có hại nghiêm trọng trên thận và đường tiêu hóa khi sử dụng chế phẩm phối hợp chứa codein và ibuprofen.

- Cung cấp thông tin về báo cáo ADR liên quan đến thuốc Tenamyd - Ceftriaxon 1000, NSX: công ty Cổ phần Dược phẩm Tenamyd (Việt Nam), Số lô: C42011.

- Cung cấp thông tin về báo cáo ADR liên quan đến thuốc Acriptega (TLD).

V. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Trong năm 2022, số lượng báo cáo ADR được Trung tâm DI & ADR Quốc gia và Trung tâm DI & ADR khu vực TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tăng 13,4% so với năm 2021, tỷ lệ báo cáo vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực và các tuyến bệnh viện. Do đó, hoạt động báo cáo ADR cần tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt tại đơn vị, địa phương chưa tham gia báo cáo ADR. Bên cạnh các ADR rối loạn toàn thân và biểu hiện trên da, các ADR liên quan đến thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, nhân viên y tế cũng cần chú ý theo dõi, phát hiện và báo cáo các biến cố bất lợi của các nhóm thuốc khác (đặc biệt các nhóm thuốc có nguy cơ cao gây ADR, thuốc có phạm vi điều trị hẹp), các ADR trên các hệ cơ quan khác, các biến cố bất lợi cần giám sát thông qua các thăm dò chức năng chuyên sâu hay xét nghiệm cận lâm sàng.

Trong quá trình xử lý báo cáo ADR, Trung tâm nhận thấy có một số báo cáo ADR gửi từ các đơn vị và thư cảm ơn, phản hồi từ Trung tâm bị thất lạc khi gửi qua đường bưu điện. Để đảm bảo việc trao đổi thông tin được đầy đủ, kịp thời, Trung tâm xin đề nghị các đơn vị tăng cường triển khai báo cáo bằng các hình thức khác (báo cáo trực tuyến hoặc gửi thư điện tử) bên cạnh hình thức gửi qua đường bưu điện về Trung tâm. Năm 2023, Trung tâm tiếp tục duy trì gửi thư cảm ơn, phản hồi và các thông tin khác về ADR cho các đơn vị qua đường thư điện tử. Trong trường hợp có nhu cầu, đề nghị các đơn vị gửi công văn đề xuất cử 01 cán bộ đầu mối phụ trách công tác Cảnh giác Dược để nhận các thông tin nêu trên (công văn cần ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị, số điện thoại và địa chỉ email của các cá nhân được đề xuất).

Bên cạnh đó, để thuận tiện cho việc theo dõi, tiếp nhận báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) từ thử nghiệm lâm sàng theo Mẫu 4 (ban hành kèm theo Phụ lục Thông tư 29/2018/TT-BYT và Thông tư số 10/2020/TT-BYT) và báo cáo theo dõi an toàn của thuốc theo mẫu 2A, 2B, 2C tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT, Trung tâm xin thông báo như sau:

1.  Hình thức tiếp nhận báo cáo SAE theo Mẫu 4 (ban hành kèm theo Phụ lục I – “Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng”của Thông tư 29/2018/TT-BYT và được sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục “Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng”của Thông tư số 10/2020/TT-BYT):

-  Nhân viên y tế gửi thông tin và đính kèm file scan báo cáo gốc qua hệ thống google form theo đường dẫn sau: https://forms.gle/e8kdzjBS9XNwcusy5.

-  Sau khi gửi báo cáo tại hệ thống trên, xác nhận sẽ được gửi tự động vào email của người báo cáo. Xin lưu ý cung cấp chính xác địa chỉ email để tránh thất lạc thông tin. Trong trường hợp sử dụng email của doanh nghiệp để gửi báo cáo, quý đồng nghiệp vui lòng tạo tài khoản google bằng email doanh nghiệp theo hướng dẫn tại link sau: https://workspace.google.com/essentials/signup/verify/workspaceoffer.

Tất cả các báo cáo SAE theo Mẫu 4 (ban hành kèm theo Phụ lục I – “Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng”của Thông tư 29/2018/TT-BYT và được sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục “Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng”của Thông tư số 10/2020/TT-BYT) gửi đến Trung tâm DI&ADR Quốc gia từ ngày 01/01/2023 cần được gửi theo hình thức như trên. Các nội dung báo cáo khác liên quan đến Thử thuốc trên lâm sàng (như báo cáo các SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam, báo cáo các AE khác trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng tại các điểm nghiên cứu tại Việt Nam, ...) vẫn được duy trì tiếp nhận qua các hình thức khác.

2.  Hình thức tiếp nhận báo cáo theo dõi an toàn của thuốc theo mẫu 2A, 2B, 2C tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT:

-  Bước 1: Đơn vị báo cáo gửi thông tin và đính kèm file scan báo cáo gốc qua hệ thống google form theo các đường dẫn sau (sau khi gửi, hệ thống sẽ gửi email xác nhận vào email của người báo cáo):

+ Báo cáo theo mẫu 2A: https://forms.gle/rnq2Yu6keVZqVK687

+ Báo cáo theo mẫu 2B: https://forms.gle/7qxMLgv19YZAuHLCA

+ Báo cáo theo mẫu 2C: https://forms.gle/fYLz1jLttbCWNDPx7

-  Bước 2: Gửi bản gốc báo cáo về Trung tâm DI&ADR Quốc gia.

  Trong trường hợp sử dụng email của doanh nghiệp để gửi báo cáo, quý đồng nghiệp vui lòng tạo tài khoản google bằng email doanh nghiệp theo hướng dẫn tại link sau: https://workspace.google.com/essentials/signup/verify/workspaceoffer.

Việc tiếp nhận báo cáo theo 2 bước như trên được áp dụng với tất cả các báo cáo theo mẫu 2A, 2B, 2C gửi đến Trung tâm DI&ADR Quốc gia từ ngày 01/01/2023.

Trung tâm DI & ADR Quốc gia xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các đơn vị và cán bộ y tế đã tham gia báo cáo ADR và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp để triển khai hiệu quả hoạt động giám sát ADR.

 

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
TỔNG KẾT CÔNG TÁC BÁO CÁO ADR NĂM 2022
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: