ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
Nguyễn Lê Phương Nga, Nguyễn Thị Thu Hằng, Kim Thị Khánh Huyền, Lê Đình Văn, Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Tuyến 
Từ khóa:  

Nội dung bài

CÁC CHẾ PHẨM BỔ SUNG CHỨA VITAMIN B6 CÓ THỂ GÂY BỆNH THẦN KINH NGOẠI BIÊN: THÔNG TIN TỪ CƠ QUAN QUẢN LÝ THUỐC AUSTRALIA (TGA)

Vitamin B6 (pyridoxin) có trong nhiều chế phẩm bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất, các chế phẩm có chứa vitamin B6 có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng mà không cần kê đơn. Nhận thức về vitamin B6 có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên của nhiều người đến nay còn hạn chế, bệnh có các triệu chứng đặc trưng như ngứa, bỏng rát hoặc cảm giác tê thường gặp ở bàn tay, bàn chân. Sử dụng vitamin B6 ngay ở liều thấp cũng có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên nhưng những người có khả năng cao mắc bệnh thường do họ sử dụng đồng thời nhiều chế phẩm bổ sung có chứa vitamin B6. 

TGA đã nhận được hơn 30 báo cáo về bệnh thần kinh ngoại biên nghi ngờ liên quan đến các chế phẩm có chứa vitamin B6. Đây là một tác dụng không mong muốn đã được biết đến của vitamin B6 nhưng những báo cáo nhận được cho thấy một số người chưa nhận thức được điều này và không nhận thấy rằng vitamin B6 có trong nhiều chế phẩm bổ sung.

Khuyến cáo người bệnh nếu đang sử dụng một hoặc nhiều chế phẩm bổ sung/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên: 

Kiểm tra thành phần có chứa vitamin B6 không. Nên tìm tất cả các tên gọi khác của vitamin B6 trên nhãn.

Kiểm tra tổng liều vitamin B6 đang sử dụng mỗi ngày. Mặc dù liều lượng tối đa cho phép hàng ngày ở mỗi sản phẩm đã giảm xuống 100 mg đối với người lớn (và thấp hơn đối với trẻ em tùy theo độ tuổi), khả năng mắc bệnh thần kinh ngoại biên vẫn có thể xảy ra ngay ở liều rất thấp (dưới 50 mg). Nguyên nhân một số người bệnh có khả năng cao gặp tác dụng không mong muốn này hơn những người khác đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Cần chú ý với những triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên như ngứa, bỏng rát hoặc cảm giác tê ở bàn tay và bàn chân, ngừng sử dụng (các) sản phẩm nếu gặp phải các triệu chứng trên.

Trao đổi với nhân viên y tế nếu có bất kỳ lo lắng hoặc thắc mắc về bệnh thần kinh ngoại biên hoặc các sản phẩm chứa vitamin nhóm B, bao gồm cả lợi ích của việc bổ sung vitamin B6 có lớn hơn nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên hay không.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CÁC THUỐC “FLOZIN”- NGUY CƠ NHIỄM TOAN CETON DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ HOẠI TỬ FOURNIER: CẢNH BÁO TỪ CƠ QUAN QUẢN LÝ THUỐC NEW ZEALAND (MEDSAFE)

Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 ở ống thận (SGLT-2i) (hay 'flozin') là thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2 và suy tim. Empagliflozin và dapagliflozin là các thuốc ức chế SGLT2 được cấp phép lưu hành ở New Zealand. 

Bệnh nhân dùng thuốc ức chế SGLT-2 có nguy cơ cao gặp biến chứng nhiễm toan ceton do đái tháo đường và hoại tử Fournier. Khuyến cáo các bệnh nhân khi sử dụng thuốc ức chế SGLT2 về nguy cơ xảy ra những phản ứng nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng nêu trên. Lưu ý theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng và hướng dẫn người bệnh thời điểm cần thiết phải liên hệ với nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc của New Zealand (CARM) đã ghi nhận các báo cáo liên quan đến biến chứng nhiễm toan ceton do đái tháo đường và hoại tử Fournier (FG) ở những bệnh nhân sử dụng empagliflozin. Medsafe lưu ý với các nhân viên y tế về nguy cơ gặp các phản ứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng ở những bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2. 

Empagliflozin và dapagliflozin là các thuốc ức chế SGLT-2 được chỉ định để điều trị đái tháo đường type 2 và suy tim. Cả hai hoạt chất trên đều có chế phẩm dạng đơn độc (Jardiance, Forxiga) hoặc dạng phối hợp với metformin (Jardiamet, Xigduo XR). Ngoài việc giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, thuốc ức chế SGLT-2 còn làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng như nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân suy tim. Medsafe đã yêu cầu cập nhật dữ liệu về an toàn thuốc của empagliflozin và dapagliflozin. 

Hiện nay, lợi ích của thuốc ức chế SGLT-2 vẫn lớn hơn so với nguy cơ gây hại. 

Gia tăng nguy cơ gặp biến chứng nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA) ở những bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2

DKA là một biến chứng của bệnh đái tháo đường, có thể xuất hiện khi nồng độ insulin không đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. DKA thường gặp ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1, tuy nhiên không loại trừ khả năng xảy ra cả ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2. 

DKA là một phản ứng có hại của các thuốc ức chế SGLT-2 được ghi nhận với tần suất hiếm gặp. Những bệnh nhân gặp biến chứng này liên quan đến thuốc ức chế SGLT-2 có thể có đường huyết ở mức bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ (DKA euglycaemia). Khi có các dấu hiệu và triệu chứng của DKA, bệnh nhân nên liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức bất kể mức đường huyết của họ là bao nhiêu. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, khát nhiều, đau bụng và khó thở. 

Nếu nghi ngờ gặp DKA, cần ngừng sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 và tuân thủ phác đồ điều trị DKA. Trường hợp bệnh nhân gặp DKA trong khi dùng thuốc ức chế SGLT-2, không tái sử dụng thuốc trừ khi xác định rõ ràng và giải quyết được yếu tố có khả năng gây phản ứng có hại khác. 

Ngừng điều trị bằng thuốc ức chế SGLT-2 nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ nhiễm toan ceton do đái tháo đường

Các yếu tố làm tăng nguy cơ DKA ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế SGLT-2 bao gồm chế độ ăn với hàm lượng carbohydrat thấp, mất nước, bệnh cấp tính, phẫu thuật, thiếu hụt insulin, giảm lượng calo hoặc tăng nhu cầu insulin. 

Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 và có các yếu tố nguy cơ mắc DKA, cần theo dõi chặt chẽ và cân nhắc tạm thời ngừng sử dụng thuốc này. Cân nhắc theo dõi nồng độ ceton huyết, ngay cả khi đã ngừng sử dụng và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị. 

Với những bệnh nhân có thực hiện các phẫu thuật lớn/dài cần ngừng điều trị các thuốc ức chế SGLT-2. Trong thời gian đó, bệnh nhân có thể cần tăng liều các thuốc hạ đường huyết khác, kết hợp với theo dõi nồng độ ceton huyết và chỉ bắt đầu điều trị lại bằng thuốc ức chế SGLT-2 khi các giá trị nồng độ ceton trở về ngưỡng bình thường và tình trạng của bệnh nhân đã ổn định. 

Nguy cơ hoại tử Fournier do thuốc ức chế SGLT-2

Hoại tử Fournier (FG) là tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nhanh chóng ở các mô mềm sâu, ảnh hưởng đến các mô vùng đáy chậu, quanh hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. FG còn được gọi là "viêm mô hoại tử vùng đáy chậu và cơ quan sinh dục". 

Thuốc ức chế SGLT-2 làm hạ glucose máu bằng cách ức chế tái hấp thu glucose ở ống thận. Tăng glucose niệu sau đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu. 

Trường hợp vệ sinh vùng sinh dục và hậu môn không đảm bảo sạch, sự tồn tại của vi khuẩn tại đây cùng với hàm lượng glucose cao trong nước tiểu, có thể là yếu tố thúc đẩy cả nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn tại các vị trí này. Nếu không được điều trị thích hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập gây nhiễm khuẩn ở các vị trí sâu hơn thông qua việc phá vỡ hàng rào niêm mạc hoặc vết rạn nứt trên da. Nhiễm khuẩn sâu ở các mô mềm này sau đó có thể tiến triển thành FG. 

Đái tháo đường và thuốc ức chế SGLT-2 là những yếu tố nguy cơ gây hoại tử Fournier

FG thường hay gặp nam giới, nhưng cũng có một số trường hợp được ghi nhận ở nữ giới. Bệnh nhân có các bệnh mắc kèm ảnh hưởng đến miễn dịch hoặc bệnh lý vi tuần hoàn có nguy cơ gặp FG cao hơn. Bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng tăng nguy cơ mắc FG, trong số các trường hợp FG có tới 60% bệnh nhân mắc đái tháo đường. 

FG cũng đã được ghi nhận khi sử dụng thuốc ức chế SGLT-2. Bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế SGLT-2 có biểu hiện đau hoặc nhạy cảm, ban đỏ, sưng tấy ở vùng sinh dục hoặc vùng đáy chậu, có sốt hoặc khó chịu cần được nhanh chóng đánh giá có liên quan đến FG hay không. Ngừng điều trị thuốc ức chế SGLT-2 ngay lập tức nếu nghi ngờ mắc FG. 

Khuyến cáo dự phòng hoại tử Fournier

Khuyến cáo các bệnh nhân nên thường xuyên chăm sóc, vệ sinh và kiểm tra vùng sinh dục để phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của FG. Liên hệ với nhân viên y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng để được hướng dẫn và hỗ trợ.

Ngoài ra, cần cân nhắc quản lý các yếu tố nguy cơ gây FG khác, ví dụ như hút thuốc và béo phì cũng như kiểm soát bệnh đái tháo đường.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

THẬN TRỌNG TRONG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG KHI SỬ DỤNG WARFARIN: THÔNG TIN MEDSAFE (NEW ZEALAND)

 Warfarin tương tác với nhiều loại thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng và một số thực phẩm. Bệnh nhân được khuyến cáo nên tránh sử dụng warfarin cùng với một số thực phẩm chức năng và sản phẩm từ thảo dược. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu có thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống.  

Cần theo dõi chỉ số INR thường xuyên hơn đối với những bệnh nhân có sử dụng sản phẩm từ thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc một số loại thực phẩm cụ thể.

Trung tâm theo dõi phản ứng bất lợi của thuốc của Canada (CARM) gần đây đã ghi nhận báo cáo liên quan đến chỉ số INR tăng đột biến ở một bệnh nhân sau khi sử dụng warfarin. Bệnh nhân có chỉ số INR tăng cao có nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng. Đặc biệt, bệnh nhân này đã sử dụng thuốc bổ có chứa nghệ và có chế độ ăn nhiều nghệ.   

Trước đó, Medsafe đã đưa ra cảnh báo an toàn rằng nghệ và các chế phẩm chứa curcumin có thể tương tác với wanfarin. Hiện nay, CARM vẫn đang tiếp tục nhận được các báo cáo về tương tác của warfarin.

Lời khuyên cho bác sĩ và bệnh nhân

Thông tin sản phẩm Coumadin và Marevan đề cập đến tương tác của warfarin với các loại thuốc khác, các sản phẩm từ dược liệu, thực phẩm chức năng và thực phẩm. Bên cạnh đó, nhân viên y tế có thể sử dụng công cụ kiểm tra tương tác thuốc trên website “New Zealand Formulary”. 

Bệnh nhân có thể không biết về nhiều tương tác của warfarin, đặc biệt là với các sản phẩm từ thảo dược, thực phẩm chức năng và thực phẩm. Tờ thông tin sản phẩm có thể giúp bệnh nhân tra cứu các tương tác tiềm ẩn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tra các thông tin về warfarin và chế độ ăn uống liên quan trên Health Navigator.

Tránh sử dụng một sô sản phẩm từ dược liệu và thực phẩm chức năng

Bệnh nhân đang sử dụng warfarin không được sử dụng các sản phẩm từ thảo dược chứa St John’s Wort (Hypericum perforatum) vì St John’s Word có thể làm giảm tác dụng của warfarin. Trên lý thuyết, nhiều loại sản phẩm thảo dược và thực phẩm chức năng khác cũng gây ảnh hưởng đến warfarin mặc dù hầu hết các tương tác này chưa được chứng minh. Bệnh nhân nên tránh dùng các sản phẩm kể trên trong thời gian sử dụng warfarin và thông báo cho bác sĩ và/hoặc dược sĩ nếu đang sử dụng. Nên theo dõi chỉ số INR thường xuyên nếu bệnh nhân đang dùng các sản phẩm từ thảo dược hay thực phẩm chức năng.

Tránh những thay đổi lớn trong chế độ ăn

Các sản phẩm từ thảo dược và thực phẩm chức năng hay một số loại thực phẩm như gan, bông cải xanh, cải brussels và rau xanh có thể tương tác với warfarin. Các thực phẩm này đều chứa nhiều vitamin K, có liên quan đến quá trình đông máu. Sự thay đổi đột ngột trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát chống đông máu. Bệnh nhân cần tìm kiếm sự tư vấn y tế trước khi thực hiện những thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống.

Nước ép nam việt quất và bưởi 

Bệnh nhân nên tránh các sản phẩm nam việt quất do chúng có thể tương tác với wafarin. Cân nhắc theo dõi INR thường xuyên hơn đối với tất cả các bệnh nhân đang dùng warfarin và thường xuyên uống nước ép việt quất. Bên cạnh đó, nước ép bưởi cũng có thể làm tăng nhẹ INR ở một số bệnh nhân.

Các báo cáo từ New Zealand

Tính đến ngày 30/9/2022, CARM đã nhận được 236 báo cáo về các tương tác của warfarin. Trong đó có 33 báo cáo là tương tác với thực phẩm, sản phẩm từ thảo dược và chế phẩm bổ sung trong đó có 3 báo cáo liên quan đến các sản phẩm từ nghệ.

 

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: