Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin Covid-19: dữ liệu  báo cáo ADR và điểm lại y văn
Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin Covid-19: dữ liệu báo cáo ADR và điểm lại y văn
 Trần Ngân Hà, Nguyễn Thị Tuyến

Tóm tắt

Ca lâm sàng Gần đây, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã ghi nhận 1 trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19 mRNA (Moderna). Bệnh nhân nam, 14 tuổi, sau tiêm mũi thứ 2 ngày thứ 2, bệnh nhân sốt cao liên tục, khó thở, tức ngực nhiều. Xét nghiệm Troponin I 471 pg/ml, điện tim: ST chênh lên nhẹ ở D2, aVF. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19.
Từ khóa:  

Nội dung bài

Tình hình dịch tễ

Viêm cơ tim là tình trạng viêm tại cơ tim, và viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm lớp màng mỏng bao quanh tim. Các tình trạng này có thể xuất hiện riêng biệt hoặc kết hợp (viêm cơ tim đi kèm viêm màng ngoài tim). Viêm màng ngoài tim có thể tái phát, trong khi viêm cơ tim ít tái phát hơn. Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim cũng gặp phổ biến trong quần thể nói chung do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, và không phải tất cả các trường hợp xảy ra viêm cơ tim sau tiêm vắc xin đều có khả năng do vắc xin gây ra [2]. Đây là phản ứng có hại hiếm gặp sau tiêm vắc xin Covid-19 mRNA (Comirnaty và Spikevax), đặc biệt ở người trẻ tuổi, đã được báo cáo ở một số nước như Hoa Kỳ, Israel, Anh, Canada và Ý [2]. Dữ liệu hiện có cho thấy Vaxzevria (Astrazeneca) không liên quan đến tăng nguy cơ viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim. Một số trường hợp được báo cáo xuất hiện biến cố sau tiêm Vaxzevria, tuy nhiên, tần suất gặp thấp hơn tỷ lệ biến cố sẵn có trong quần thể [9]. Nói chung, viêm cơ tim xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Ước tính “tỷ lệ nền” viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim trong độ tuổi 18-34 tuổi ở nữ giới là 16 trường hợp trong 100.000 người/năm, và ở nam giới là 37 trường hợp trong 100.000 người/năm [6].

Đa số các trường hợp viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin Covid-19 mRNA xảy ra chủ yếu trong vòng 1-5 ngày (trung vị 2 ngày) sau khi tiêm liều vắc xin thứ 2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thực hiện đánh giá các báo cáo được ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu về phản ứng có hại toàn cầu (VigiBase) liên quan đến viêm cơ tim sau khi sử dụng một trong các loại vắc xin COVID-19 [4]. Tính đến ngày 5/5/2021, Cơ sở dữ liệu này ghi nhận 214 báo cáo với thuật ngữ “viêm cơ tim” liên quan đến tất cả các loại vắc xin COVID-19. Trong đó, vắc xin Comirnaty (Pfizer-BioNTech) và Spikevax (Moderna) có nhiều báo cáo nhất và tỷ lệ được ghi nhận cao hơn tỷ lệ trong thử nghiệm lâm sàng. Các ca bệnh thường nghiêm trọng (n = 132; 94%), phù hợp với dịch tễ bệnh, phổ biến ở nam giới (n = 87; 62%) và người trẻ tuổi, với 95 ca (67%) những người từ 18 đến 44 tuổi. Thời gian trung bình bắt đầu xuất hiện viêm cơ tim là 3 ngày (phạm vi từ 0 đến 34 ngày). Nhiều trường hợp xuất hiện phản ứng sau liều thứ hai hơn liều thứ nhất (chỉ tiêm vắc-xin mRNA) và các triệu chứng khởi phát nhanh hơn sau liều thứ hai. Mặc dù chưa thể ước tính tỷ lệ viêm cơ tim chính xác từ các trường hợp này và có nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, những bằng chứng hiện có cho thấy mối liên quan giữa vắc xin mRNA và bệnh viêm cơ tim cần được nghiên cứu thêm [4].

Các phát hiện tương tự cũng được báo cáo trong một phân tích 2.459 trường hợp viêm cơ tim đi kèm viêm màng ngoài tim trong cơ sở dữ liệu biến cố bất lợi sau tiêm vắc xin của Hoa Kỳ (VAERS) tính đến ngày 06/10/2021 (Bảng 1) [10]. Có 67% các trường hợp xuất hiện sau tiêm mũi thứ nhất và 81% trường hợp sau tiêm mũi thứ 2 xảy ra ở nam giới. Tỷ lệ báo cáo sơ bộ cao nhất ở nam giới trong nhóm tuổi từ 16-17 tuổi trong 7 ngày sau tiêm liều vắc xin Comirnaty thứ 2 (69,1 trường hợp trong 1 triệu liều). Tỷ lệ biến cố được báo cáo ở nam giới từ 18-24 tuổi sau liều thứ 2 vắc xin Comirnaty (36,8 trường hợp trong 1 triệu liều) tương tự vắc xin Spikevax (38,5 trường hợp trong 1 triệu liều). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở nữ giới trong cùng độ tuổi (<10 trường hợp trong 1 triệu liều). Trong số 877 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim hoặc viêm cơ tim đi kèm viêm màng ngoài tim theo định nghĩa của CDC Hoa Kỳ, có khoảng 95% bệnh nhân phải nhập viện. Trong đó, 95% bệnh nhân đã xuất viện và 77% bệnh nhân không còn các triệu chứng của biến cố tại thời điểm báo cáo [10].

Bảng 1. Tỷ lệ báo cáo viêm cơ tim (trong 1 triệu liều vắc xin) ghi nhận được

trong cơ sở VAERS sau tiêm vắc xin Covid-19 mRNA trong 7 ngày (N=935)

Nhóm tuổi/loại vắc xin

Pfizer

Moderna

Sau liều 1

Sau liều 2

Sau liều 1

Sau liều 2

12 – 15

2,3

21,5

0,0

-

16 – 17

2,8

37,4

0,0

-

18 – 24

1,2

18,1

3,1

20,7

25 – 29

0,7

5,7

1,8

11,2

30 – 39

0,6

2,8

1,4

3,6

40 – 49

0,2

1,5

0,2

2,1

50 – 64

0,3

0,4

0,5

0,5

65+

0,1

0,2

0,0

0,3

Phân tích ban đầu dựa trên dữ liệu an toàn vắc xin tại Hoa Kỳ (VSD) gợi ý mặc dù hiếm gặp nhưng nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm Spikevax có thể cao hơn Comirnaty [5]. Trong nhóm 18-39 tuổi, tỷ lệ hiệu chỉnh tổng thể là 2,72 (95% CI 1,25 – 6,05, p = 0,012) trong 7 ngày sau tiêm, tương đương, số trường hợp mắc viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim sau tiêm mỗi 1 triệu liều vắc xin Spikevax cao hơn Comirnaty 13,3 trường hợp. Tuy nhiên, dữ liệu từ Hệ thống Hiệu quả và An toàn các chế phẩm sinh học của Hoa Kỳ không xác định được sự khác biệt về tỷ lệ mắc biến cố giữa Comirnary và Spikevax.

Tại Canada, dữ liệu tổng kết từ Ontario cũng cho thấy tỷ lệ báo cáo xuất hiện viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim sau tiêm Spikevax (6,6 trường hợp trong 1 triệu liều sau tiêm liều thứ nhất; 28,2 trường hợp trong 1 triệu liều sau tiêm liều thứ 2) cao hơn Comirnaty (6,4 trường hợp trong 1 triệu liều sau tiêm liều thứ nhất; 8,7 trường hợp trong 1 triệu liều sau tiêm liều thứ 2). Không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về mức độ nặng của viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm Spikevax so với Comirnaty [8].

Tại Anh, tỷ lệ báo cáo chung (bao gồm các nguyên nhân không do vắc xin) xuất hiện viêm cơ tim sau tiêm cả liều thứ nhất và liều thứ 2 tính đến 29/9/2021 là 7,6 báo cáo trong 1 triệu liều Comirnaty, và 29,8 báo cáo trong 1 triệu liều Spikevax. Tỷ lệ tổng thể báo cáo viêm màng ngoài tim là 5,9 báo cáo sau tiêm 1 triệu liều Comirnaty và 17,7 báo cáo sau tiêm 1 triệu liều Spikevax [7].

Phát hiện

Mặc dù hiếm gặp nhưng bác sĩ lâm sàng cần nắm được nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, nguy cơ này cần được xem xét ở những người có biểu hiện đau ngực trong 1 tuần sau khi tiêm vắc xin, đặc biệt ở những người trẻ tuổi [1], [3].

Để đánh giá ban đầu, nên thực hiện điện tâm đồ và xét nghiệm troponin và marker viêm như CRP và xét nghiệm tốc độ máu lắng. Trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim, cần tư vấn chuyên khoa tim mạch và cân nhắc đánh giá hình ảnh siêu âm, chụp cộng hưởng từ tim [1], [3]. Việc xử trí tùy thuộc vào tuổi của bệnh nhân, biểu hiện lâm sàng, các nguyên nhân khác và bệnh đồng mắc, huyết động, nhịp tim, diễn biến của bệnh. Bệnh nhân có tình trạng đau ngực, tổn thương cơ tim, thay đổi điện tâm đồ (ECG), bất thường trên tim qua chẩn đoán hình ảnh, loạn nhịp, huyết động không ổn định sau tiêm vắc xin Covid-19 cần nhập viện và theo dõi chặt chẽ [3].

Xử trí

Điều trị hỗ trợ, thuốc chống viêm NSAIDs, các thuốc corticosteroid và colchicin đã được sử dụng để xử trí viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19. Một số bệnh nhân được điều trị bằng immunoglobulin tĩnh mạch (IVIG) và aspirin, một số bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chẹn β giao cảm và thuốc ức chế men chuyển angiotensin do rối loạn chức năng tâm thu thất trái [1], [3]. Mặc dù chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên, tiến cứu nào đánh giá các biện pháp điều trị này, nhưng các biện pháp điều trị trên được xem là phù hợp, đặc biệt trên bệnh nhân có biểu hiện và triệu chứng rõ rệt. Có thể trì hoãn điều trị ở những bệnh nhân có triệu chứng cải thiện nhanh với chức năng tim được bảo tồn và các dấu ấn sinh học bình thường hoặc khi các dấu ấn sinh học bất thường đã hồi phục. Với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, dai dẳng, huyết động ổn định, không có loạn nhịp, rối loạn chức năng thất trái đáng kể hoặc suy tim, có thể cân nhắc sử dụng colchicin, NSAIDs và corticosteroid. Ở bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái, suy tim, loạn nhịp tim mới khởi phát hoặc huyết động không ổn định, corticosteroid tĩnh mạch hoặc immunoglobulin tĩnh mạch cùng với biện pháp điều trị hỗ trợ tim mạch và tuần hoàn khác có thể được cân nhắc sử dụng. Với bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái, nên khởi đầu bằng thuốc chẹn β và thuốc ức chế men chuyển angiotensin theo hướng dẫn điều trị. Nhóm quản lý người bệnh cần có bác sĩ tim mạch đánh giá ban đầu, theo dõi điều trị và một bác sĩ truyền nhiễm hướng dẫn cho việc tiếp tục tiêm chủng trên bệnh nhân đã gặp phản ứng có hại [3].

Mặc dù diễn biến lâm sàng thường nhẹ, các dấu hiệu, triệu chứng có khả năng cải thiện, tuy nhiên, cần hạn chế hoặc tạm ngừng hoạt động thể chất gắng sức và các môn thể thao đối kháng cho đến khi các triệu chứng, huyết động, nhịp tim, xét nghiệm bất thường được cải thiện hoàn toàn. Nếu người được tiêm phòng vắc xin mRNA xuất hiện viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau liều đầu tiên, CDC khuyến cáo hoãn tiêm liều thứ 2 và chỉ xem xét tiêm liều 2 khi bệnh nhân không còn các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh trong một số trương hợp. Các bằng chứng cho thấy 1 liều vắc xin mRNA không đủ bảo vệ người được tiêm kháng lại các biến thể Sars-CoV2 mới và cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định hiệu quả của việc tiêm 1 liều so với 2 liều vắc xin mRNA ở các nhóm tuổi khác nhau. CDC khuyến cáo tất cả các trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cần được báo cáo cho Hệ thống theo dõi phản ứng có hại của vắc xin [3].

Những điều cần lưu ý trước và sau khi tiêm chủng [2]

Trước khi tiêm, tất cả bệnh nhân đồng ý tiêm Comirnaty hoặc Spikevax cần được thông báo về nguy cơ hiếm gặp viêm cơ tim và/hoặc viêm màng ngoài tim sau khi tiêm chủng và được thông báo về một số triệu chứng cũng như liên hệ nhân viên y tế (nếu cần).

Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau tiêm (trung vị 2 ngày). Những người xuất hiện các triệu chứng này sau tiêm Comirnaty hoặc Spikevax cần gọi hỗ trợ y tế ngay. Những người cảm thấy bình thường và không có bất kỳ triệu chứng nào sau khi tiêm chủng có thể tiếp tục hoạt động thể chất thông thường không cần phải tránh gắng sức thường xuyên.

Với những người có sẵn tình trạng rối loạn chức năng tim cần gọi hỗ trợ y tế nếu có triệu chứng mới khởi phát hoặc triệu chứng nặng lên sau tiêm vắc xin.

Dữ liệu tại Việt Nam

Năm 2021, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Phản ứng có hại của thuốc tại Việt Nam đã ghi nhận 16 trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim trong tổng số 903 báo cáo ADR liên quan đến vắc xin Covid-19. Trong đó, có 9 báo cáo liên quan đến vắc xin Comirnaty (của Pfizer), 4 báo cáo liên quan vắc xin Vero Cell (của Sinopharm), 2 báo cáo liên quan vắc xin Covid-19 AstraZeneca và 1 báo cáo liên quan vắc xin Covid-19 Moderna. Có 9 báo cáo trên bệnh nhi (13 đến 16 tuổi), các bệnh nhi này đều sử dụng vắc xin Comirnaty (Pfizer) và hầu hết các trường hợp đã/đang hồi phục tại thời điểm báo cáo (7 trường hợp). Ngoài ra có 5 trường hợp chưa hồi phục tại thời điểm báo cáo (3 trường hợp liên quan vắc xin Vero Cell, 1 trường hợp liên quan vắc xin Moderna và 1 trường hợp liên quan vắc xin Comirnaty). Đặc biệt, có 2 trường hợp tử vong bao gồm 1 bệnh nhân nam 67 tuổi được chẩn đoán sốc tim, theo dõi viêm cơ tim cấp, biến chứng suy đa tạng/sốt xuất huyết sau tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca ngày thứ 11 và một bệnh nhân nam 77 tuổi được chẩn đoán sốc tim, theo dõi viêm cơ tim, biến chứng suy đa tạng, đông máu rải rác trong lòng mạch sau tiêm vắc xin Verocell ngày thứ 7. Thông tin chi tiết của các trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim liên quan vắc xin Covid-19 được tổng hợp trong Bảng 2.

Bảng 2. Các báo cáo nghi ngờ viêm cơ tim liên quan đến vắc xin Covid-19 trong Cở sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện tại Việt Nam*

STT

Tuổi

Giới

Tên vắc xin

Liều thứ mấy?

Thời gian tiềm tàng

Biểu hiện biến cố bất lợi

Mức độ nghiêm trọng

1

14

Nam

Comirnaty

Mũi 2

2 ngày

Bệnh nhân sốt cao liên tục, khó thở, tức ngực nhiều. Xét nghiệm Troponin I: 471 pg/ml. Điện tim: ST chênh lên nhẹ ở D2, aVF

1

2

13

Nam

Comirnaty

Mũi 2

1 ngày

Bệnh nhân sốt cao 39.5 độ C kèm tức ngực, khó thở nhẹ, đau đầu, chóng mắt nhẹ. Xét nghiệm WBC = 14,8, NEU = 11,59; CK = 1004, CK-MB = 126.5, Troponin T HS = 0,73; NT-proBNP = 268,1

1

3

14

Nam

Comirnaty

Mũi 2

2 ngày

Đau ngực vùng trước tim, đau âm ỉ, không lan, kèm khó thở, sốt nhẹ, nôn 6 lần/ngày. Điện tim ST chênh ở DII, AVF, V2-6. Nhịp nhanh xoang 104 lần/phút. Troponin T HS = 0,97, NT-proBNP = 946,6

1

4

14

Nam

Comirnaty

Không rõ

3 ngày

Bệnh nhân sốt, mệt người đau ngực vùng sau xương ức, lan ra 2 bên, đau nhiều khi cử động, hít thở. Xét nghiệm Troponin T HS = 0,02.

1

5

13

Nam

Comirnaty

Mũi 2

6 giờ

Bệnh nhân đau nhẹ ngực trái. Sau đó 2 ngày, đau ngực nhiều hơn, đau 2 vai nên nhập viện điều trị. Nhịp xoang. Xét nghiệm Troponin T HS = 1,14, NT-proBNP = 378,7.

1

6

13

Nam

Comirnaty

Mũi 2

6 giờ

Bệnh nhân sốt, đau nhẹ ngực trái. Sau đó 2 ngày, đau ngực nhiều hơn, đau 2 vai nên nhập viện điều trị. Xét nghiệm Troponin T HS = 0.17, NT-proBNP = 271,8.

1

7

14

Nữ

Comirnaty

Mũi 2

6 giờ

Bệnh nhân tức ngực. Sau đó 3 ngày, đau ngực nhiều nên nhập viện. Xét nghiệm Troponin T HS = 0,02.

1

8

13

Nam

Comirnaty

Mũi 2

6 giờ

Bệnh nhân đau nhẹ ngực trái. Sau đó 2 ngày, đau ngực nhiều hơn, đau 2 vai nên nhập viện điều trị. Xét nghiệm Troponin T HS = 0,02.

1

9

16

Nam

Comirnaty

Không rõ

4 ngày

Bệnh nhân đau ngực, khó thở, trong cơn đau ngực có biến đổi điện tim: ST chênh lên ở V4-V5-V6, D1, D2, aVF; chênh xuống ở V1-V2.

1

10

67

Nam

Covid-19 AstraZeneca

Không rõ

11 ngày

Bệnh nhân sốt không đỡ, tức ngực nhiều kèm theo khó thở vật vã, mạch quay bắt yếu, huyết áp khó đo (dao động 90/60 mmHg), SpO2 96% (oxy thở 5 lần/phút). Siêu âm tim: tràn dịch màng tim mức độ vừa EF 40%, Troponin I: 3081 ng/ml, CK: 459 UI/L, CK-MB: 35 UI/L, tiểu cầu 46 G/L, creatinin 191 mmol/L, test nhanh Dengue NS1 Ag: dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán: sốc tim, theo dõi viêm cơ tim cấp, biến chứng suy đa tạng/sốt xuất huyết.

2

11

25

Nữ

Covid-19 AstraZeneca

Không rõ

10 phút

Troponin T-HS tăng (460), siêu âm tim có giảm động nhẹ toàn bộ thất trái, EF 52%

2

12

36

Nữ

Moderna

Mũi 2

21 ngày

Bệnh nhân sốt, đau đầu, tức ngực, khó thở, vào viện cấp cứu. Xét nghiệm: CK/CK-MB = 1049/146,8, Troponin T: 2030 ng/L, NT-proBNP: 1701 pg/mL. Siêu âm tim: giảm vận động nhẹ thành dưới vách, trước vách (phần mỏm, phần giữa). Thất trái không giãn, chức năng tâm thu thất trái giảm, EF Simpson 4 B 46%. Hở van hai lá nhẹ, hở van ba lá nhẹ-vừa. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm cơ tim (chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim)/cường giáp.

2

13

77

Nam

Vero Cell

Không rõ

7 ngày

Bệnh nhân sốt, khó thở, huyết áp 90/60 mmHg, mạch 127 lần/phút. Siêu âm tim: không thấy rối loạn vận động vùng, EF 62%, Dd 43 mm. Điện tâm đồ: nhịp xoang tần số 122 lần/phút, trục trung gian, ST-T chênh lên V4-V6. Xét nghiệm: Troponin T 12158 ng/L, NT-proBNP: 19135. Chụp ĐMV: sơ vữa nhẹ. Bệnh nhân được chẩn đoán: sốc tim, theo dõi viêm cơ tim, biến chứng suy đa tạng, đông máu rải rác trong lòng mạch

2

14

31

Nam

Vero Cell

Không rõ

5 ngày

Bệnh nhân sốt âm ỉ, mệt mỏi toàn thân, đau tức thượng vị nên nhập viện điều trị. Định lượng D Dimer: 2,64 µg/ml. Siêu âm tim: Tràn dịch màng tim bề dày lớp dịch d=6mm. Siêu âm bụng: túi mật vách phù nề, ít dịch ở bụng, dịch ngoài màng tim ở mỏm d=9mm. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm cơ tim, suy tim, tràn dịch màng tim, hở van 2 lá, viêm túi mật.

2

15

27

Nữ

Vero Cell

Không rõ

4 ngày

Bệnh nhân tức ngực trái, khó thở nhẹ. Điện tim đồ: ST chênh nhẹ DII, DIII, aVF. Xét nghiệm Troponin T: 2135 ng/L. Bệnh nhân được chẩn đoán: sốc tim, viêm cơ tim.

2

16

20

Nữ

Vero Cell

Mũi 2

5 giờ

Bệnh nhân mệt nhiều, đau ngực trái, cảm giác đau nặng tức, không lan. Sau đó bệnh nhân ngất, được đưa vào viện, được chẩn đoán phản vệ độ III và theo dõi viêm cơ tim.

2

* Thông tin được tổng hợp từ báo cáo ADR của nhân viên y tế, 1- Nhập viện/kéo dài thời gian nằm viện, 2- Đe dọa tính mạng

Thông tin cần lưu ý

-         Nguy cơ viêm màng ngoài tim và/hoặc viêm cơ tim tăng một tỷ lệ nhỏ được ghi nhận ở người đã tiêm vắc xin Covid-19 mRNA (gồm Comirnaty (Pfizer) và Spikevax (Moderna), so với người không tiêm vắc xin.

-         Bệnh Covid-19 có liên quan đến nguy cơ viêm cơ tim và biến chứng tim khác cao hơn đáng kể so với nguy cơ liên quan đến việc tiêm vắc xin.

-         Cơ quan quản lý Y tế các nước vẫn nhấn mạnh lợi ích của tiêm vắc xin vượt trội hơn nguy cơ viêm cơ tim và/hoặc viêm màng ngoài tim. Comirnaty và Spikevax tiếp tục được khuyến cáo tiêm phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên.

-         Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin Covid-19 chủ yếu được báo cáo ở nam giới dưới 30 tuổi, hầu hết các trường hợp sau tiêm mũi thứ 2 của vắc xin. Hầu hết các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim liên quan đến vắc xin mRNA với triệu chứng nhẹ và bệnh nhân hồi phục sớm. Theo dõi dài hạn vẫn tiếp tục được thực hiện.

-         Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nền không liên quan đến chống chỉ định sử dụng vắc xin.

-         Trung tâm DI &ADR Quốc gia đã ghi nhận 16 trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim với mức độ từ nhập viện/kéo dài thời gian nằm viện đến đe dọa tính mạng. Các vắc xin phòng Covid-19 được báo cáo gồm có Comirnaty (Pfizer), vắc xin Covid-19 Moderna, Vero Cell (Sinopharm), vắc xin Covid-19AstraZeneca.

-         Trung tâm DI & ADR Quốc gia xin trân trọng cám ơn sự hợp tác của các đơn vị và cán bộ y tế đã tham gia báo cáo ADR liên quan đến vắc xin phòng Covid-19 và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp để triển khai hiệu quả hoạt động giám sát các biến cố bất lợi của vắc xin được cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp của đại dịch.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo

1.         Bộ Y tế (2021), "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Ban hành theo Quyết định số 3348/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế", pp.

2.         Australian Technical Advisory Group on Immunisation (ATAGI), the Cardiac Society of Australia and New Zealand (CSANZ), et al., Guidance on Myocarditis and Pericarditis after mRNA COVID-19 Vaccines. 2021.

3.         Bozkurt B., Kamat I., et al. (2021), "Myocarditis With COVID-19 mRNA Vaccines", Circulation, 144(6), pp. 471-484.

4.         Joseph Mitchell, Qun-Ying Yue (2021), "Myocarditis and the COVID-19 vaccines", WHO Pharmaceuticals Newsletter - N°4, 2021, pp. 20-23.

5.         Klein N., "Myocarditis Analyses in the Vaccine Safety Datalink: Rapid Cycle Analyses and “Head-to-Head” Product Comparisons. Presented at the: October 21, 2021.", Retrieved, from https://www.cdc.gov/vaccines/acip/meetings/downloads/slides-2021-10-20-21/08-COVID-Klein-508.pdf.

6.         Li X., Ostropolets A., et al. (2021), "Characterizing the incidence of adverse events of special interest for COVID-19 vaccines across eight countries: a multinational network cohort study", medRxiv, pp.

7.         Medicines and Healthcare Regulatory Agency., "Coronavirus Vaccine - Weekly Summary of Yellow Card Reporting (17 February 2022). Published online on 17 February 2022", Retrieved, from https://www.gov.uk/government/publications/coronavirus-covid-19-vaccine-adversereactions/coronavirus-vaccine-summary-of-yellow-card-reporting.

8.         Public Health Ontario. Enhanced Epidemiological Summary., "Myocarditis and Pericarditis Following Vaccination with COVID-19 mRNA Vaccines in Ontario: December 13, 2020 to August 7, 2021", Retrieved, from https://www.publichealthontario.ca/-/media/documents/ncov/epi/covid-19-myocarditis-pericarditis-vaccines-epi.pdf?sc_lang=en.

9.         Snapiri O., Rosenberg Danziger C., et al. (2021), "Transient Cardiac Injury in Adolescents Receiving the BNT162b2 mRNA COVID-19 Vaccine", Pediatr Infect Dis J, 40(10), pp. e360-e363.

10.       Su J., "Myopericarditis following COVID-19 vaccine: Updates from the Vaccine Adverse Events Reporting System (VAERS). Presented at the: October 21, 2021.", Retrieved, from https://www.cdc.gov/vaccines/acip/meetings/downloads/slides-2021-10-20-21/07-COVID-Su-508.pdf.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin Covid-19: dữ liệu báo cáo ADR và điểm lại y văn
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: