Phản vệ liên quan đến thuốc cản quang iod - những tín hiệu  tiếp tục được theo dõi và cập nhật từ dữ liệu Cảnh giác Dược tại Việt Nam
Phản vệ liên quan đến thuốc cản quang iod - những tín hiệu tiếp tục được theo dõi và cập nhật từ dữ liệu Cảnh giác Dược tại Việt Nam
Cao Thị Thu Huyền 

Tóm tắt

Thuốc cản quang chứa iod được coi là một trong những nhóm thuốc có nguy cơ cao về phản ứng có hại, có thể để lại hậu quả nặng nề như phản vệ. Từ nhiều năm trở lại đây, Trung tâm DI & ADR Quốc gia thường xuyên tiến hành tổng kết và đánh giá dữ liệu an toàn thuốc ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện liên quan đến nhóm thuốc này. Số lượng báo cáo ADR về phản vệ có xu hướng liên tục tăng theo thời gian cho thấy cần có tăng cường về việc giám sát và xử trí nhằm quản lý và giảm thiểu tốt hơn những nguy cơ về phản vệ do thuốc cản quang chứa iod.
Từ khóa:  

Nội dung bài

 

Phản vệ liên quan đến thuốc cản quang chứa iod

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, trong đó, sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút [1].

Trong khi thức ăn là yếu tố có khả năng gây phản vệ hàng đầu ở trẻ em, thuốc lại được biết đến là loại dị nguyên thường gặp nhất gây ra phản vệ trên người trưởng thành [5]. Trong đó, thuốc cản quang chứa iod cũng là một nhóm thuốc đã được ghi nhận có nguy cơ cao về phản vệ [5]. Phản vệ do nhóm thuốc này xảy ra chủ yếu theo các cơ chế không dị ứng bao gồm: (1) tác động trực tiếp lên màng tế bào, có khả năng liên quan đến áp lực thẩm thấu của các dung dịch cản quang iod; (2) sự hoạt hóa của hệ thống bổ thể và (3) giải phóng trực tiếp bradykinin [1], [2]. Nhiều hướng dẫn trên thế giới đã khuyến cáo sử dụng thuốc cản quang có áp lực thẩm thấu thấp và không ion hóa do khả năng xảy ra phản vệ cũng như các phản ứng cấp tính khác của các thuốc này là thấp hơn [1], [3], [4].

Hiệp hội Chẩn đoán hình ảnh niệu sinh dục châu Âu (ESUR) vẫn thường xuyên cập nhật các khuyến cáo trong Hướng dẫn về an toàn đối với thuốc cản quang, trong đó có biện pháp xử trí cho các phản ứng quá mẫn bao gồm phản vệ đối với thuốc cản quang chứa iod, với phiên bản mới nhất tới thời điểm hiện tại được giới thiệu vào năm 2018 [4]. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 để cập nhật về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, trong đó, phản vệ với thuốc cản quang cũng được đưa vào danh sách những trường hợp đặc biệt cần lưu ý (theo Phụ lục IV của Hướng dẫn) [1].



Tỷ lệ ghi nhận và tín hiệu phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang iod trong Cơ sở dữ liệu về Cảnh giác Dược tại Việt Nam và dữ liệu cập nhật trên thế giới

Cơ sở dữ liệu báo cáo ADR của Trung tâm DI & ADR Quốc gia từ năm 2015 đến năm 2019 đã ghi nhận 468 báo cáo phản vệ từ độ II trở lên. Hình 2 biểu diễn số lượng báo cáo phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang iod theo từng năm cho thấy có sự tăng dần kể từ năm 2018. Tỷ lệ phản vệ trên tổng số báo cáo ADR của từng năm dao động trong khoảng từ 23,7% đến 47,2%. Có thể thấy, phản vệ có liên quan đến 6 trong số 8 hoạt chất thuộc nhóm thuốc cản quang chứa iod, với iobitridol chiếm số lượng nhiều nhất (235 báo cáo), tiếp đến là iohexol (102 báo cáo) và iopromid (96 báo cáo).

Trong giai đoạn này, tín hiệu phản vệ đã được đánh giá thông qua chỉ số ROR, trong đó, tín hiệu được coi là hình thành nếu cận dưới khoảng tin cậy 95% của ROR > 1. Kết quả cho thấy so với các thuốc nói chung trong cơ sở dữ liệu, có tín hiệu hình thành đối với nhóm cản quang chứa iod với ROR = 3,34 [2,97 - 3,76]. Số lượng báo cáo phản vệ cụ thể và sự hình thành tín hiệu phản vệ của từng hoạt chất cản quang iod so với các thuốc khác trong dữ liệu chung và giữa các thuốc cản quang với nhau được trình bày cụ thể trong bảng 2.


Trong khi đó, Cơ sở dữ liệu phản ứng có hại của Tổ chức Y tế Thế giới (Vigibase) cũng đã ghi nhận về các hoạt chất cản quang iod tương ứng. Trong đó, khả năng gây ra phản ứng phản vệ/sốc phản vệ của hầu hết thuốc cản quang iod so với các thuốc khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (khi giá trị cận dưới của khoảng tin cậy 95% là IC025 > 0) (Bảng 3).


Đặc điểm chính về phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang iod ghi nhận tại Việt Nam


Trong tổng số 468 báo cáo ADR phản vệ liên quan đến thuốc cản quang iod ghi nhận trong giai đoạn 2015-2019:

Phản vệ từ độ III xuất hiện tương đối phổ biến, với tỷ lệ các loại phản vệ độ II, độ III và độ IV tương ứng lần lượt là 48,5%, 49,1% và 2,4%;

Phản vệ được ghi nhận chủ yếu với các biểu hiện tim mạch (75,0%) và hô hấp (70,7%), trong khi biểu hiện trên da và niêm mạc chỉ chiếm 43,4%. Ngoài các biểu hiện đặc trưng của phản vệ, có 47,2% trường hợp xuất hiện kèm những biểu hiện rối loạn toàn thân như rét run, vã mồ hôi, sốt cao, co cứng cơ, đau đầu, chóng mặt;

Phản vệ thường xảy ra rất nhanh sau khi dùng thuốc: 63,6% số trường hợp có thời gian xuất hiện dưới 10 phút; 24,6% trường hợp khác cũng diễn biến trong vòng 1 giờ sau tiêm;

Khoảng 80% số trường hợp phản vệ được ghi nhận với hậu quả ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau, đặc biệt có 9 (1,9%) trường hợp tử vong;

Adrenalin - lựa chọn đầu tay được khuyến cáo trong xử trí phản vệ chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn (59,8%). Những biện pháp xử trí khác cũng được sử dụng phối hợp bao gồm: corticosteroid (63,9%), kháng histamin H1 (37,8%), truyền dịch (32,0%) và một số biện pháp hồi sức cơ bản khác (28,1%).

Kết luận

Việc định kỳ phân tích cơ sở dữ liệu của báo cáo ADR tự nguyện tại Việt Nam đã cung cấp một hình ảnh cập nhật về phản vệ liên quan đến thuốc cản quang chứa iod, đặc biệt là tiếp tục ghi nhận sự hình thành về tín hiệu phản vệ trong nhóm thuốc cản quang chứa iod trong bối cảnh số lượng báo cáo ADR bao gồm các trường hợp về phản vệ không ngừng gia tăng trong những năm trở lại đây tại Việt Nam. Điều này một lần nữa giúp khẳng định tầm quan trọng của hệ thống báo cáo tự nguyện, với tầm bao phủ rộng trong khoảng thời gian lâu dài, đã và vẫn luôn là một trong những phương pháp hữu hiệu và cần thiết cho hoạt động giám sát an toàn thuốc, giúp khai phá cũng như theo dõi những tín hiệu quan trọng của các nhóm thuốc nguy cơ cao mà phản vệ liên quan đến nhóm thuốc cản quang iod là một ví dụ điển hình.


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2017), Thông tư 51/2017/TT-BYT về việc "Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ".

2. A Rosado Ingelmo et al. (2016), "Clinical Practice Guidelines for Diagnosis and Management of Hypersensitivity     Reactions to Contrast Media", J Investig Allergol Clin Immunol, 26(3), pp. 144-155.

3. ACR Committee on Drugs and     Contrast Media (2021), "ACR Manual On Contrast Media".

4. European Society of Urogenital    Radiology (2018), ESUR Guidelines on Contrast Agents 10.0.

5. Frederico S. Regateiroa, Maria Luís Marques, Eva Rebelo Gomes (2020), "Drug-Induced Anaphylaxis: An Update on    Epidemiology and Risk Factors", Int Arch Allergy Immunol, (181), pp. 481-487.

 

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
Phản vệ liên quan đến thuốc cản quang iod - những tín hiệu tiếp tục được theo dõi và cập nhật từ dữ liệu Cảnh giác Dược tại Việt Nam
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: