Tóm tắt
Nội dung bài
Đến nay có rất nhiều vắc xin COVID-19 được cấp phép sử dụng trong bối cảnh đại dịch ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Các loại vắc xin, tình trạng cấp phép, bản chất của vắc xin, các tá dược đi kèm và dữ liệu về phản ứng quá mẫn của các loại vắc xin này được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng được tổng hợp trong Bảng 1.
Nguyên nhân có thể dẫn tới dị ứng với vắc xin COVID-19
Phản ứng dị ứng với vắc xin chủ yếu là do chất bổ trợ, tá dược hoặc các thành phần khác như chất bảo quản và chất kháng khuẩn có trong công thức bào chế. Vắc xin có thể chứa một lượng nhỏ protein xuất hiện trong quá trình sản xuất.
Polyethylen glycol (PEG)
Vắc xin Pfizer-BioNTech chứa hai loại hạt nano lipid mới, trong đó, một loại được “PEG-hóa” (Polyethylene glycol, phân tử khối 2000 Da, viết tắt là PEG2000). Vắc xin mARN của Moderna cũng chứa một loại lipid được PEG-hóa (cũng là một loại PEG-2000). Polyethylen glycol là một nhóm hợp chất polyether được sử dụng phổ biến trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm (như kem dưỡng da, dầu gội, thuốc nhuộm tóc, sản phẩm chăm sóc nha khoa). PEG cũng được sử dụng làm phụ gia thực phẩm và sử dụng trong một số quy trình sản xuất công nghiệp. Đối với vắc xin COVID-19, tiểu phân nano PEG bọc xung quanh phân tử mRNA ngăn cản enzym thủy phân mRNA, làm tăng độ tan trong nước và từ đó tăng sinh khả dụng của vắc xin.
Trước đây, PEG được cho là trơ về mặt sinh học, nhờ vậy chất này được ứng dụng rất phổ biến. PEG là một phần hoạt chất trong các thuốc nhuận tràng và chế phẩm dùng cho các bệnh đường ruột, được sử dụng làm chất kết dính viên thuốc, chất phủ lên bề mặt viên nén, chất ổn định trong thuốc tiêm dạng dung dịch, chất bôi trơn, gel siêu âm, thuốc mỡ, thuốc viên đạn, thuốc tiêm giải phóng chậm, xi măng sinh học, và chất bảo quản nội tạng. Tuy nhiên, trong y văn hiện ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp phản ứng quá mẫn nhanh (loại I) đối với PEG.
Dữ liệu đến nay cho thấy dị ứng PEG là hiếm gặp, điều này dường như không hợp lý với số trường hợp phản vệ liên quan đến vắc xin Pfizer-BioNTech. Vì vậy, có khả năng có các nguyên nhân khác ngoài PEG dẫn đến phản vệ.
Polysorbat 80 và PEG
Một số loại vắc xin COVID-19 không dựa trên công nghệ mARN có sử dụng polysorbat 80. Khác với PEG, polysorbat 80 là tá chất được sử dụng trong nhiều loại vắc xin (bạch hầu - ho gà - uốn ván và các vắc xin tương tự, viêm gan B, HPV, phế cầu khuẩn, influenza, zona) và nhiều loại thuốc khác. Trong y văn có hai trường hợp dị ứng PEG có dị ứng chéo polysorbat 80. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhóm tác giả, hầu hết các bệnh nhân dị ứng PEG có thể dung nạp polysorbat 80. Vắc xin ChAdOx1 của AstraZeneca chứa hàm lượng polysorbat 80 dưới 100mg trong mỗi liều. Lượng chất này tương tự với lượng polysorbat 80 trong hầu hết các vắc xin phòng cúm, và bằng một nửa so với vắc xin phòng cúm cho người trên 65 tuổi. Các loại vắc xin này không có mối liên quan đến việc tăng tần suất gặp phản ứng quá mẫn (như đối với vắc xin Pfizer-BioNTech). Đây là căn cứ để Cơ quan Y tế công cộng Anh (Public Health England) cho phép tiêm vắc xin AstraZeneca ChAdOx1 cho người dị ứng PEG.
Lựa chọn loại vắc xin tiêm mũi thứ 2 trong trường hợp dị ứng với vắc xin mũi thứ nhất
Trong trường hợp người được tiêm xuất hiện phản ứng dị ứng toàn thân với loại vắc xin mũi thứ nhất, không nên tiêm vắc xin mũi 2 cùng loại hoặc vắc xin có tá dược tương tự loại vắc xin thứ nhất. Ví dụ, bệnh nhân có phản ứng có hại toàn thân sau tiêm vắc xin Pfizer BioNTech không nên tiêm liều thứ 2 vắc xin này, đồng thời không nên tiêm vắc xin Mordena vì đây cũng là vắc xin mRNA có chứa PEG. Mặc dù hiện tại không có dữ liệu về hiệu quả bảo vệ khi tiêm vắc xin khác loại, nhưng Cơ quan quản lý y tế Anh khuyến cáo có thể sử dụng vắc xin AstraZeneca thay thế (nếu không có chống chỉ định). Hiệp hội Dị ứng và Miễn dịch Anh Quốc khuyến cáo người được tiêm chỉ xuất hiện phản ứng da như nổi mề đay khu trú (không có triệu chứng toàn thân) sau tiêm liều đầu vắc xin thì có thể tiêm liều thứ 2 bằng vắc xin cùng loại tại cơ sở y tế có đủ phương tiện hồi sức cấp cứu và theo dõi sau tiêm 30 phút.
Vì tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin rất nhỏ nên Tổ chức dị ứng thế giới đề xuất một chiến lược toàn cầu. Tổ chức này đã phối hợp với Đại học Hoàng gia London và Mạng lưới báo cáo trực tuyến về phản vệ (NORA) thiết lập một hệ thống để nhân viên y tế báo cáo phản ứng phản vệ hoặc dị ứng nghi ngờ liên quan đến vắc xin COVID-19.