TỔNG QUAN VỀ CÁC THUỐC GÂY TĂNG HUYẾT ÁP
TỔNG QUAN VỀ CÁC THUỐC GÂY TĂNG HUYẾT ÁP
(Drug – induced systemic hypertension overview)
 Đàm Trung Bảo dịch /

Tóm tắt

Tăng huyết áp toàn thân một trạng thái thường gặp và là một yếu tố nguy cơ quan trong cho sự phát triển các bệnh về tim mạch. Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp không được chẩn đoán do hiện tượng huyết áp cao thường không thể hiện triệu chứng gì, và chỉ được phát hiện qua những đợt khám sức khoẻ thường kỳ, hay qua những biến chứng của tình trạng tăng huyết áp đã có từ lâu, như đột quỵ, thiếu máu cục bộ cơ tim, các bệnh về thận….Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng huyết áp trong đó có những yếu tố có thể thay đổi được như: hút thuốc lá, béo phì, ăn nhiều muối, không tập thể dục và ít hoạt động thể lực… và những yếu tố không thể thay đổi như tuổi cao, gia đình có tiền sử tăng huyết áp. Một yếu tố nữa là sự sử dụng nhiều thứ thuốc có thể gây tăng huyết áp. Điều này đôi khi được đánh giá quá mức. Nội dung của bài viết này, tổng quan lại một cách ngắn gọn các loại thuốc có thể gây tăng huyết áp, hoặc làm bệnh tăng huyết áp đã có sẵn thêm nặng, và mô tả qua cơ chế đã sinh ra.
Từ khóa:  

Nội dung bài

A) Các thuốc gây tăng huyết áp:

Các tài liệu hướng dẫn (guidelines) của Anh và của cộng đồng Châu Âu (EU) đã ghi những thuốc sau (xem bảng 1) có thể làm tăng huyết áp.

 

Bảng 1:

Các họ trị liệu có thể gây tăng huyết áp

        Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIs)

        Các thuốc tránh thai hỗn hợp dùng đường uống

        Các corticosteroid

        Các mineralo corticoid/cam thảo

        Các thuốc giống giao cảm

        Cocain

        Amphetamin

        Erythropoietin

        Cyclosporin

 

Nhiều thuốc trong đó làm một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân tăng huyết áp đã có từ trước thêm nặng, và một số khác làm những người có huyết áp bình thường thành tăng huyết áp.

1) Các chế phẩm thuốc tránh thai dùng đường uống

Đã có thêm một số bằng chứng mới trong 20 năm vừa qua cho thấy có mối liên quan giữa tăng huyết áp với các viên thuốc tránh thai. Các viên thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen và progesteron có khuynh hướng làm tăng huyết áp, trung bình mức độ tăng là 5/3 mmHg. Có khoảng 1% những trường hợp dùng thuốc có tăng huyết áp nặng. Cơ chế gây tăng huyết áp, cơ chế gây tăng nhạy cảm ở 1% bệnh nhân nói trên đều chưa rõ. Huyết áp lại trở về mức độ bình thường sau khi ngừng dùng những viên thuốc tránh thai, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi sự trở về đó đòi hỏi nhiều thời gian, có khi tới 18 tháng. Nếu quá 18 tháng mà huyết áp không trở về bình thường, thì sự tăng huyết áp không phải do thuốc tránh thai. Với một số phụ nữ, sau khi dùng viên thuốc tránh thai hỗn hợp được vài tháng thậm chí vài năm, huyết áp mới bắt đầu tăng nhanh. Viên thuốc tránh thai chỉ chứa có progesteron thì không gây tăng huyết áp.

2) Các thuốc giống giao cảm: ephedrin, phenyl ephrin, phenyl propanolamin

Ephedrin, và những chất họ hàng như pseudoephedrin, norpseudoephedrin, methylephedrin và norephedrin (còn gọi là phenyl propanolamin) đều có tác dụng giống giao cảm. Phenylephrin và pseudoephedrin còn được dùng rộng rãI làm chất chống xung huyết tại chỗ niêm mạc mũi, và gây co mạch ở đó, chống ngạt mũi. Trong điều trị tại chỗ với liều nhỏ, có ít tác dụng phụ. Dùng tại chỗ với liều cao hay dùng toàn thân, có thể gây tăng huyết áp. Với liều dùng khuyến cáo, hai chất phenylepherin và pseudoephedrin được nhận định là an toàn ở những bệnh nhân tăng huyết áp được kiểm soát tốt, mặc dù vẫn có những báo cáo về các sự cố do tăng huyết áp như sự cố về mạch máu não, về tim mạch. Điều gây lo lắng đặc biệt là các chất nói trên có thể gây xuất huyết dưới mạng nhện. Do đó những thuốc có chứa phenyl propanolamin hiện nay đã bị cấm ở Mỹ, ở một số nước Châu Âu, kể cả Anh. Tất cả những chất này đều chống chỉ định ở những bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim, do có thể gây co thắt động mạch vành.

Việc dùng đồng thời các thuốc giống giao cảm với các thuốc ức chế monoamino oxydase (IMAO) là nguy hiểm, do làm giảm chuyển hoá các hợp chất họ hàng của ephedrin, và do đó tăng cường các tác dụng phụ trên tim mạch.

3) Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương

Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương như dexamphetamin và methyl phenidat có tác dụng giống giao cảm. Chúng hay được dùng trong chứng thiếu tập trung tư tưởng – quá hiếu động (ADHD), chứng có những cơn ngủ thoảng qua, và hay gây tăng huyết áp. Các thuốc này làm tăng huyết áp tâm thu lên khoảng 5 – 10 mmHg, như vậy có thể đưa huyết áp đến mức cần phải điều trị ở người lớn. Việc dùng dấu diếm methylphenidat và dexamphetamin cũng gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới xuất huyết nội sọ, co thắt động mạch vành và thiếu máu cục bộ cơ tim.

4) Các thuốc chống viêm phi steroid (NSAID)

Các prostaglandin (PGE2 và PGI2) được sinh ra do xúc tác của cyclo oxygenase (COX), có chức năng đảm bảo lưu lượng máu ở thận, và sự bài tiết natri qua nước tiểu. Sự ức chế các cyclo oxygenase bởi các thuốc chống viêm phi steroid có thể gây ứ muối và nước, ngay cả khi không có suy giảm chức năng thận. Điều này làm tăng huyết áp khoảng 3 – 5 mmHg. Ngoài ra các NSAID còn làm giảm hiệu quả các thuốc điều trị tăng huyết áp.

5) Các glucocorticoid và mineralocorticoid

Các glucocorticoid có thể làm tăng huyết áp, và mức độ tăng phụ thuộc vào liều. Đó là hậu quả của hiện tượng ứ muối. Điều này có thể nhận thấy khi dùng thuốc theo bất cứ con đường nào, kể cả dùng ngoài da.

Các mineralo corticoid có tác dụng trực tiếp gây co mạch. Chất carbenoxolone dẫn chất theo con đường sinh tổng hợp của acid glycyrrhizinic – là hoạt chất chiết từ rễ cam thảo – làm tăng huyết áp gián tiếp, thông qua tác dụng ức chế enzym11 – bêta – hydroxyl – steroid dehydrogenase. Sự ức chế này làm tăng nồng độ corticosteroid nội sinh trong nội bào, gây co mạch và ứ natri. Hiện nay, công dụng của thuốc này chỉ hạn chế trong điều trị loét nhẹ ở miệng và quanh miệng, dùng để pha nước rửa chỗ loét. Việc dùng quá nhiều cam thảo dẫn đến tăng nồng độ các mineralocorticoid nội bào đến mức quá thừa do ức chế chính enzym nói trên. Các dấu hiệu hạ kali – máu, bệnh nhiễm kiềm, tăng hoạt tính mineralocorticoid là những dấu hiệu cơ bản để chẩn đoán tăng huyết áp do cam thảo.

6) Natri

Việc giảm ăn muối (Natri clorid) có thể làm giảm áp huyết 3 – 5 mmHg. Các tài liệu hướng dẫn (guideline) của Mỹ và các nước Châu Âu gợi ý lượng natri dùng hàng ngày là khoảng 100 mmol (tương đương với 2,3 gam natri hay 5,8 gam natri clorid) hoặc thấp hơn để đảm bảo huyết áp được tốt. Nhiều thuốc như diclofenac, prednisolon, hydrocortison v.v… có bản chất là các muối natri; nhiều loại thuốc kháng acid dịch vị chứa natri bicarbonate hay paracetamol hoà tan (Panadol hoà tan) chứa 427 mg Natri trong một viên, có thể liên quan đến tăng huyết áp.

7) Ciclosporin

Ciclosporin có thể gây tăng huyết áp, nhất là khi dùng cùng với corticosteroid, và tác dụng này không phụ thuộc liều dùng. Tỷ lệ tử vong do các sự cố về tim mạch Ở những bệnh nhân ghép tạng dùng ciclosporin cao hơn tỷ lệ này trong dân chúng bình thường. Có thể là ciclosporin đã làm mất cân bằng giữa các prostaglandin gây co mạch và gây giãn mạch, và làm ảnh hưởng đến các chất có tác dụng trên chức năng các mao mạch, làm tăng endothelin và làm giảm Natri, dẫn tới co mạch và thiếu máu cục bộ ở cuộn tiểu cầu. Cũng có một số bằng chứng là có tăng sản xuất renin, có hiện tượng tăng sinh ở gần cầu thận, và hoạt hoá hệ thần kinh giao cảm. Tất cả các hiệu ứng kể trên đều dẫn tới ứ natri và tăng huyết áp. Những thuốc corticosteroid thường được dùng đồng thời với ciclolsporin lại làm tăng thêm hiện tượng ứ natri. Trong những trường hợp tăng huyết áp do thuốc này, việc dùng các thuốc lợi tiểu và các thuốc chẹn kênh calci mang lại nhiều lợi ích. Tacrolimus – một thuốc ức chế miễn dịch khác cũng gây tăng huyết áp như ciclosporin.

8) Các thuốc điều biến miễn dịch

Leflunomid và infliximab dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp có thể gây tăng huyết áp trong một số trường hợp, hoặc làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp đã có từ trước. Tỷ lệ tăng huyết áp có thể tới 30% những người dùng thuốc này, và tỷ lệ này có thể cao hơn nếu dùng kết hợp hai thuốc.

9) Các thuốc dùng trong các bệnh tâm thần

Nhiều báo cáo cho thấy hiện tượng tăng huyết áp là tác dụng phụ của các thuốc an thần điển hình và không điển hình.

Hội chứng an thần kinh ác tính (neuroleptic malignant syndrome) thường gặp sau khi dùng các thuốc an thần hoặc một số thuốc khác, như các thuốc chống trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến chức năng điều hoà huyết áp. Các triệu chứng điển hình trong hội chứng này gồm có: thay đổi trạng thái tâm thần, cứng cơ, nhịp tim nhanh, mất ổn định trong các hệ tự động như huyết áp dễ thay đổi, thường là tăng huyết áp. Điều này phản ánh hệ giáo cảm hoạt hoá quá mức.

Các độc tính khi dùng quá liều các thuốc an thần điển hình bao gồm tăng huyết áp. Quá liều thioridazin hay haloperidol gây tăng huyết áp nặng. Các thuốc an thần không điển hình trong một số trường hợp cũng gây tăng huyết áp mặc dù hay gây hạ huyết áp thế đứng hơn, nhất là ở giai đoạn đầu, khi đang thăm dò liều dùng. Clozapin làm tăng huyết áp một cách nhất quán, nhưng nguyên nhân thì chưa rõ; thuốc gây ra tác dụng giống như u tế bào ưa crôm: tăng huyết áp kèm vã mồ hôi và tăng nồng độ catecholamin niệu. Ziprasidone - một thuốc an thần không điển hình khác, đôi khi (hiếm) cũng làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp sẵn có ở bệnh nhân.

Một số thuốc chống trầm cảm như các thuốc chống trầm cảm ba vòng, các thuốc ức chế tái thu hồi serotonin, và nhiều loại thuốc khác có thể gây tăng huyết áp hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp sẵn có ở bệnh nhân.

Các thuốc IMAO có tác dụng ức chế sự chuyển hóa của các monoamine giống giao cảm. Có thể xảy ra những cơn tăng huyết áp ở bệnh nhân dùng các IMAO cùng với các chất này làm tăng sự hấp thu các monoamine (ăn những thực phẩm chứa tyramin), hay cùng với các thuốc giống giao cảm. Triệu chứng lâm sàng trong trường hợp này giống như trường hợp u tế bào ưa crôm.

Venlafaxin, một thuốc ức chế tái thu hồi serotonin và noradrenalin (SNRI) có liên quan đặc biệt đến tăng huyết áp. Tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều lượng: thuốc làm tăng huyết áp tâm trương khoảng 7 – 10 mmHg khi dùng ở liều cao.

10) Các liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao

Một công trình nghiên cứu quy mô rộng trên những nam giới dương tính với HIV đã chứng minh có mối liên quan giữa việc điều trị bằng các thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao trên 2 năm biểu hiện bằng tăng huyết áp tâm thu.

11) Các chất kích thích tạo hồng cầu (ESA = erythropoiesis stimulating agent)

Sau 20 năm đưa vào sử dụng trong lâm sàng các thuốc kích thích tạo hồng cầu đã được chứng minh là những thuốc có khả năng gây tăng huyết áp. Đa số những bệnh nhân dùng ESA có bệnh thận mạn tính, và có khoảng 30% trong số họ bị tăng huyết áp trong quá trình điều trị thiếu máu, thường là tăng huyết áp đã có từ trước ở bệnh nhân.

Sinh lý bệnh tăng huyết áp khi dùng các ESA có thể liên quan đến tăng trương lực của mạch, do hiện tượng thiếu oxy giảm khi dãn mạch và sự giải phóng NO. Khi mới đưa ra các ESA vào sử dụng, mối quan tâm chủ yếu là các cơn tăng huyết áp nặng. Việc đưa ra những chế độ dùng thuốc mới với liều thấp hơn cùng với việc sử dụng những thuốc có tác dụng dài hạn hơn đã góp phần hạn chế các cơn tăng huyết áp trong quá trình điều trị.

12) Các alkaloid của cựa lúa mạch

Hiện nay với các alkaloid cựa lúa mạch vẫn còn được sử dụng trong điều trị đau nửa đầu (migraine), nhưng với liều dùng thấp để tránh các tác dụng phụ, chủ yếu là co thắt mạch ngoại vi. Tác dụng phụ thường gặp là thiếu máu cục bộ ngoại vi hay thiếu máu cục bộ cơ tim, nhưng cũng có gặp những trường hợp tăng huyết áp.

13) Một số dược liệu

Cần phải thận trọng khi dùng những dược thảo cho bệnh nhân tăng huyết áp. Dược liệu Ma hoàng dùng để giảm cân có chứa các alkaloid của Ephedra, là nguyên liệu tự nhiên để chiết xuất  ephedrin. Chất này có tác dụng trên tim và có thể gây tăng huyết áp (xem phần trên)

Alkaloid yohimbin, một indolealkylamin có trong cây Pausinystalia yohimbe và rễ cây ba gạc (Rawfolia) có tác dụng đối kháng cạnh tranh ở các thụ thể alpha – 2 trung ương, làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Trong dân gian thuốc thường dùng làm thuốc cường dương, hạ cholesterol máu chống béo phì và đã có một số trường hợp báo cáo là gây tăng huyết áp.

B) Hội chứng ngừng thuốc:

Một số thuốc khi ngừng dùng có thể gây tái xuất hiện tăng huyết áp. Ví dụ clonidin, các thuốc chẹn bêta, methyldopa, gamma hydroxybutyrat (khi phụ thuộc thuốc này), rượu (khi nghiện rượu)

Việc ngừng đột ngột các chất nói trên làm hoạt hóa hệ giao cảm quá mức trong vòng 36  - 72 giờ gây nhịp tim nhanh, lo âu, tăng huyết áp. Hiện tượng cũng xảy ra tương lự khi một người nghiện rượu bắt đầu cai rượu, và cũng xảy ra tương tự đối với gamma hydroxybutyrat.

 

II. KẾT LUẬN

Một số thuốc có thể gây tăng huyết áp hay làm bệnh tăng huyết áp nặng thêm. Do tuổi thọ của nhân dân nâng cao, người có tuổi hay dùng nhiều thuốc, nên hiện tượng tăng huyết áp do thuốc càng hay gặp.

Các thầy thuốc điều trị cần chú ý đến điều này, tránh gây tăng huyết áp và sớm giải quyết triệu chứng này khi xảy ra.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
TỔNG QUAN VỀ CÁC THUỐC GÂY TĂNG HUYẾT ÁP
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: