Dị ứng liên quan đến sử dụng Opioid
Dị ứng liên quan đến sử dụng Opioid
Nguyễn Mai Hoa 

Tóm tắt

Dị ứng thực sự và “giả” dị ứng liên quan đến opioid thường bị chẩn đoán nhầm do có triệu chứng tương tự nhau và chỉ khác nhau về cơ chế phản ứng. Phản ứng dị ứng thực sự với opioid xảy ra thông qua trung gian miễn dịch IgE, trong khi đó, phản ứng giả dị ứng có nguyên nhân xuất phát từ sự thoát hạt tế bào mast và giải phóng histamin nội sinh [1]. Dị ứng thực sự với opioid hiếm gặp và đa số các phản ứng dị ứng với opioid đều là dị ứng “giả”. Trong 10 trường hợp được cho là dị ứng với opiod, có đến 9 trường hợp không phải là dị ứng thực sự [2]. Việc nắm rõ các loại phản ứng liên quan đến opioid giúp cán bộ y tế có hướng xử trí phù hợp, đặc biệt là lựa chọn opioid thay thế an toàn cho bệnh nhân.
Từ khóa:  

Nội dung bài

Biểu hiện

Dị ứng thực sự với opioid nhìn chung hiếm gặp với các biểu hiện như phát ban, phát ban dát sần, ban đỏ đa dạng, phát ban mụn mủ, hạ huyết áp nặng và phù mạch (phù nề mặt, miệng, lưỡi). Trong khi đó, các triệu chứng của phản ứng giả dị ứng bao gồm đỏ bừng, ngứa, hắt hơi, nổi mày đay, toát mồ hôi và hạ huyết áp nhẹ. Nhìn chung, các triệu chứng của dị ứng thực sự với opioid tương tự với “giả” dị ứng, chỉ khác biệt về phù mạch và hạ huyết áp. Hạ huyết áp có nguyên nhân thực sự do dị ứng có thể nặng hơn so với “giả” dị ứng [3]. Điều này có thể giải thích do tế bào mast ở các vị trí khác nhau trong cơ thể đáp ứng với opiod không đồng nhất. Tế bào mast trong phổi, khác với tế bào mast trên da, không có kháng nguyên bề mặt CD88 (thụ thể của thành phần bổ thể 5a) và không đáp ứng với các thành phần bổ thể C3a hoặc C5a có hoạt tính phản vệ (anaphylatoxin) - gây thoát hạt tế bào mast và giải phóng histamin. Các tế bào mast trên da nhạy cảm hơn với sự thoạt hạt trực tiếp của tế bào mast, giải phóng ra histamin và thường gây ra các phản ứng không thông qua trung gian IgE. Ngược lại, co thắt phế quản nặng hoặc các phản ứng liên quan đến hô hấp - tuần hoàn khác thường thông qua trung gian IgE và hiếm khi xảy ra không qua trung gian IgE [1].

Ngoài ra, thêm một điểm khác biệt giữa phản ứng dị ứng thực sự và phản ứng “giả” dị ứng là thời gian khởi phát. Phản ứng giả dị ứng thường xảy ra ngay ở lần đầu tiên dùng thuốc, còn phản ứng dị ứng thực sự thường xuất hiện ở bệnh nhân đã có tiền sử dụng trước đây hoặc sau khi dùng liều lặp lại [3].

Xử trí

Để xử trí phản ứng phù hợp, trước hết, cần rà soát cẩn thận tiền sử sử dụng các opioid của bệnh nhân. Do tỷ lệ xuất hiện phản ứng dị ứng thực sự với opioid hiếm gặp, cân nhắc khả năng phản ứng quá mẫn xảy ra ở bệnh nhân chỉ là “giả” dị ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện nặng như phản vệ, co thắt phế quản nặng, ngừng tuàn hoàn, bệnh nhân cần được xử trí kịp thời bất kể nguyên nhân “giả” dị ứng hay dị ứng thực sự với opioid [3].

Các phản ứng giả dị ứng thường liên quan đến liều và hoạt lực của opioid, do đó, có thể cân nhắc lựa chọn opioid có hoạt lực cao hơn nhưng vẫn cần sử dụng ở liều thấp và đảm bảo tốc độ tiêm truyền chậm. Trrong trường hợp cần sử dụng opioid khác, cân nhắc sử dụng các opioid ít có khả năng giải phóng histamin hơn [2]. Không phải tất cả opioid đều có khả năng giải phóng histamin. Mophin, codein và pethidin là những thuốc có khả năng giải phóng histamin cao nhất, trong khi đó, fentanyl và tramadol ít hoặc không có tác dụng này [3]. Mặc dù thay đổi sang opioid có cấu trúc khác nhưng bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. 

Với những trường hợp dị ứng thực sự với opioid, việc kiểm soát đau thực sự là một thách thức không nhỏ cho bác sĩ do bệnh nhân không dễ dàng đáp ứng với các thuốc giảm đau không opioid khác như các thuốc chống viêm không có cấu trúc steroid (NSAIDs). Trong trường hợp này, có thể cân cân nhắc lựa chọn các opioid khác nhóm và có nguy cơ dị ứng chéo thấp. Bảng 1 trình bày phân loại các opioid theo năm nhóm dựa trên cấu trúc hóa học và nguy cơ dị ứng chéo, bao gồm các nhóm: phenanthren, benzomorphan, phenylpiperidin, diphenylheptan và phenylpropylamin. Nhóm phenanthren có nhiều khả năng dị ứng chéo. Trong nhóm phenanthren, các thuốc không có nhóm 6-OH của morphin có nguy cơ thấp hơn. Benzomorphan cũng có nguy cơ dị ứng chéo, trong khi đó, các nhóm phenylpipieridin,  diphenylheptan và phenylpropylamin có nguy cơ thấp [3].


Tóm lại, việc khai thác tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân cẩn thận kết hợp với rà soát tổng thể về các triệu chứng, mức độ nặng, liều dùng và thời gian khởi phát cho phép cán bộ y tế có thể định hướng được loại phản ứng dị ứng. Từ đó, đưa ra lựa chọn thuốc opioid thay đổi phù hợp, tránh trì hoãn điều trị hoặc ngừng hoàn toàn sử dụng opioid cho bệnh nhân không thực sự cần thiết.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Li PH, Ue KL, et. al (2017), “Opioid hypersensitivity: predictors of allergy and role of drug provacation testing”. Journal of allergy and clinical immunology. In practice, 5(6):1601-1606.doi:10.1016/j.jaip.2017.03.035.

2. M. Saljoughian (2006), “Opioids: Allergy vs. Pseudoallergy”, US Pharmacist, 7:HS-5-HS-9.

3. Jeffrey Fudin (2018), “Opioid Allergy, Pseudo-allergy, or Adverse Effect?”,      PharmacyTimes, https://www.pharmacytimes.com/.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
Dị ứng liên quan đến sử dụng Opioid
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: