KHÔNG CHÚ Ý ĐẾN TƯƠNG TÁC THUỐC – CĂN BỆNH KINH NIÊN CỦA CÁC BÁC SĨ
KHÔNG CHÚ Ý ĐẾN TƯƠNG TÁC THUỐC – CĂN BỆNH KINH NIÊN CỦA CÁC BÁC SĨ
Lê Quốc Thịnh 

Tóm tắt

Kê đơn thuốc là một trong những quy định mà Bộ Y tế yêu cầu nghiêm ngặt nhất đối với thầy thuốc (phải viết rõ ràng tên thuốc, liều lượng, cách dùng, không viết tắt, chú ý tương tác có hại khi phối hợp nhiều thuốc...). Thế nhưng trên thực tế, một trong những lỗi thường gặp nhất ở thầy thuốc lại vẫn liên quan đến... tương tác trong kê đơn thuốc.
Từ khóa:  

Nội dung bài

 

Thông thường việc sử dụng nhiều thuốc trên một người bệnh trong cùng một thời gian là cần thiết để đạt mục tiêu điều trị mong muốn hoặc để chữa nhiều bệnh cùng một lúc. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, thuốc được phối hợp quá nhiều không cần thiết. Hiếm có đơn thuốc nào chỉ có 1-2 loại thuốc. Thế nhưng, qua khảo sát, tỉ lệ đơn thuốc có 6 thuốc phối hợp với nhau chiếm khoảng 85%. Nếu là điều trị nội trú tại bệnh viện thì con số này còn cao hơn. Có những trường hợp dùng đơn độc một thuốc hoặc chỉ phối hợp 2 thuốc rất có hiệu quả nhưng các bác sĩ vẫn cho dùng cùng lúc 4-5 loại thuốc. Trong điều trị tăng huyết áp, nên sử dụng đúng một thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chẹn beta, có thể đạt hiệu quả trên 30 - 50% số người bệnh. Trong điều trị suy tim, dùng đồng thời một thuốc lợi tiểu với một thuốc giãn mạch hoặc một glycosid trợ tim thường cần thiết để đạt được hiệu suất tim thỏa đáng và giữ cho người bệnh không bị phù.

Việc sử dụng nhiều thuốc (đa hoá trị liệu) là rất cần thiết trong hóa trị liệu ung thư và trong một số bệnh nhiễm khuẩn như bệnh lao, nhiễm khuẩn nặng trong bệnh viện... Trong những trường hợp này, mục đích thường là để cải thiện hiệu quả điều trị và làm chậm xuất hiện tế bào ác tính hoặc vi khuẩn kháng với các kháng sinh hiện có. Khi dùng đồng thời nhiều thuốc, người thầy thuốc đứng trước vấn đề không biết cách phối hợp thuốc nào đó ở một người bệnh cụ thể có thể dẫn đến tương tác hay không. Nếu có, thì làm thế nào để tận dụng lợi thế của tương tác nhằm có kết quả điều trị tốt hơn hoặc làm thế nào để tránh các hậu quả của tương tác có hại. Muốn tránh sai sót này, cách tốt nhất là thầy thuốc phải luôn nâng cao hiểu biết về thuốc. Không kê quá nhiều thứ thuốc không cần thiết. Nên biết rằng dùng đồng thời từ 2 loại thuốc trở lên hoặc dùng thêm một loại thuốc vào chế độ thuốc đã ổn định đều có nguy cơ gây ra tương tác thuốc. Hậu quả có thể gặp là làm thay đổi tính chất dược lý, làm thuốc độc hơn hoặc triệt tiêu mọi tác dụng có lợi của thuốc mới thêm vào. Dùng kháng sinh ở phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai có thể làm giảm hiệu quả tránh thai và dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Cần chú ý đến tương tác thuốc giữa theophyllin và erythromycin, digoxin và quinidin, rifampicin và thuốc tránh thai. Tương tác thuốc cũng có thể xảy ra do cách dùng thuốc, ví dụ cho phenytoin và ciprofloxacin qua ống thông dạ dày để nuôi bệnh nhân sẽ làm giảm tác dụng hấp thu của thuốc.

Hầu hết những sai sót trong kê đơn là do thầy thuốc không chú ý đến chống chỉ định và sự tương tác của thuốc. Ví dụ celecoxib có tác dụng phụ là gây dị ứng, nếu sơ ý kê đơn thuốc này cho bệnh nhân mẫn cảm với sulfonamid thì kết quả sẽ xảy ra dị ứng nghiêm trọng. Nhiều thuốc có chống chỉ định hoặc phải dùng thận trọng ở một số bệnh nhân đang có trạng thái bệnh lý nào đó, như metformin không nên dùng cho bệnh nhân suy thận; Không dùng thuốc chẹn beta cho bệnh nhân hen... 

Người thầy thuốc phải có những hiểu biết về cơ chế tương tác thuốc để phân tích các tương tác thuốc một cách hệ thống. Nhiệm vụ của người thầy thuốc là phải hiểu những nguyên lý cơ bản của tương tác thuốc trong việc xây dựng phác đồ điều trị. Các tương tác có thể là tương tác dược động học (thay đổi hấp thu, phân bố hoặc đào thải của thuốc này hay thuốc khác) hoặc tương tác dược lực học (thí dụ tương tác giữa duy trì và đối kháng ở các thụ thể thuốc). Các tương tác có hại quan trọng nhất thường xảy ra ở những thuốc có độc tính cao hoặc có chỉ số điều trị thấp, vì nồng độ thuốc chỉ thay đổi tương đối nhỏ có thể đã dẫn đến những hậu quả có hại rõ rệt. Ngoài ra, các tương tác thuốc có thể ảnh hướng lớn về mặt lâm sàng trên người bệnh nặng hoặc có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đủ liều.

Một trong những bệnh hay được các bác sĩ kê phối hợp nhiều thuốc nhưng lại không hướng dẫn cách dùng (HDCD) nên tỉ lệ xảy ra tương tác thuốc rất cao là viêm loét dạ dày - tá tràng. Đây là một bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, gây ra những phí tổn to lớn về chǎm sóc sức khỏe và những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, sự bùng nổ của thị trường thuốc giúp cho người thầy thuốc có thể lựa chọn thuốc tốt hơn trong điều trị. Tuy nhiên, do đặc thù của thuốc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng là rất dễ gây tương tác với thuốc khác dùng kèm, mặt khác các thuốc này cũng rất dễ bị giảm hiệu quả điều trị nếu không dùng thuốc đúng. Do vậy, không có HDCD thuốc đầy đủ và chính xác ngoài việc trực tiếp làm giảm tác dụng của thuốc, còn gây ra những tương tác bất lợi với các thuốc khác, làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc đó và những thuốc khác dùng kèm và gây ra những rủi ro cho người bệnh.

Như vậy, việc HDCD thuốc đầy đủ chính xác khi kê đơn là rất quan trọng đặc biệt là đối với thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Thực tế tỷ lệ tương tác thuốc gặp phải chiếm trên 50% bệnh nhân khi được điều trị đã phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do tương tác thuốc, mặc dù những hậu quả này không hẳn đã biểu hiện hoặc có biểu hiện nhưng bác sĩ không ý thức được, không theo dõi được, hoặc không biết được nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện đó.

Đa số các tương tác xảy ra đều do HDCD thuốc không đúng. Cũng với những thuốc đó nếu có HDCD thuốc đúng sẽ không xảy ra tương tác, do đó muốn giảm được các tương tác thuốc thì quan trọng nhất là phải bảo đảm thuốc khi đến tay bệnh nhân có HDCD đầy đủ chính xác. Muốn thực hiện tốt điều này thì không chỉ cần có bác sỹ kê đơn có HDCD thuốc đầy đủ chính xác mà còn cần việc thực hiện đúng y lệnh của y tá và bản thân bệnh nhân. Tương tác giữa cimetidin và metronidazol chiếm tỷ lệ nhiều nhất, chính vì vậy trên thế giới hiện nay có xu hướng ít sử dụng cimetidin có lẽ một phần do hiệu quả kém, phần khác là do dễ gây ra tương tác với thuốc khác. Tương tác các thuốc antacid với các thuốc khác cùng kê trong đơn điều trị viêm loét dạ dày tá tràng có thể tránh được bằng cách dùng thuốc kháng acid cách xa các thuốc khác ít nhất 2 giờ.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
KHÔNG CHÚ Ý ĐẾN TƯƠNG TÁC THUỐC – CĂN BỆNH KINH NIÊN CỦA CÁC BÁC SĨ
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: