ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Mai Hoa, Lương Anh Tùng 
Từ khóa:  

Nội dung bài

Nguy cơ nhiễm khuẩn vùng sinh dục hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khi sử dụng thuốc ức chế SGLT2 điều trị đái tháo đường: Cảnh báo từ FDA Hoa Kỳ

Ngày 29/8/2018, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ) đã đưa ra cảnh báo về một số trường hợp nhiễm khuẩn vùng sinh dục hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, được gọi là viêm mô hoại tử vùng đáy chậu hay hoại thư Fournier (Fournier’s gangrene), đã được báo cáo liên quan đến việc sử dụng thuốc ức chế đồng vận chuyển natri - glucose 2 (SGLT2) để điều trị đái tháo đường typ 2. FDA Hoa Kỳ đang yêu cầu bổ sung cảnh báo về nguy cơ trên vào tờ thông tin kê đơn của tất cả các thuốc ức chế SGLT2 và hướng dẫn sử dụng thuốc dành cho bệnh nhân.

Khuyến cáo dành cho cán bộ y tế:

- Đánh giá bệnh nhân về khả năng mắc hoại thư Fournier nếu bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh.

- Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc phản ứng có hại này, cần khởi đầu điều trị ngay bằng kháng sinh phổ rộng và tiến hành phẫu thuật để xử trí nếu cần thiết. Ngừng sử dụng thuốc ức chế SGLT2, theo dõi chặt chẽ nồng độ đường huyết và áp dụng biện pháp điều trị thay thế phù hợp để kiểm soát đường huyết.

 -------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thông tin về tương tác thuốc trong tờ hướng dẫn sử dụng không thống nhất: Thông tin từ WHO

Theo Bản tin WHO Pharmaceutical Newletter số 4/2018, trong quá trình rà soát tín hiệu an toàn liên quan đến các tương tác thuốc, 4 tương tác đáng chú ý đã được phát hiện. Trong các tờ thông tin sản phẩm được FDA Hoa Kỳ, MHRA và EMA phê duyệt, thông tin về các tương tác thuốc này không thống nhất với nhau.

Tương tác metformin-ciprofloxacin/levofloxacin và nguy cơ hạ đường huyết

Tính đến ngày 10/11/2017, Cơ sở dữ liệu về báo cáo ADR của Tổ chức Y tế Thế giới (Vigibase) đã ghi nhận 32 báo cáo hạ đường huyết liên quan đến việc sử dụng đồng thời metformin và ciprofloxacin hoặc levofloxacin. Các báo cáo này hỗ trợ cho cảnh báo của FDA Hoa Kỳ về nguy cơ tương tác giữa thuốc điều trị đái tháo đường và ciprofloxacin hoặc levofloxacin. Các kháng sinh nhóm quinolon này có thể làm tăng tác dụng của metformin. Cảnh báo về nguy cơ này được ghi trên nhãn thuốc được FDA Hoa Kỳ phê duyệt đối với các kháng sinh này, nhưng không được ghi trên nhãn thuốc metformin. Với tờ thông tin sản phẩm được phê duyệt tại Anh, tương tác này không được đề cập trên nhãn thuốc chứa metformin. Cảnh báo liên quan đến tương tác này chỉ được đề cập trong tờ thông tin sản phẩm của thuốc chứa levofloxacin.

 Tương tác sertralin - quetiapin và hội chứng serotonin

Tính đến ngày 10/11/2017, Vigibase đã ghi nhận 29 báo cáo về hội chứng serotonin nghi ngờ do sử dụng đồng thời sertralin - quetiapin và 15 báo cáo về hội chứng ác tính do thuốc an thần. Nguy cơ xuất hiện hội chứng serotonin hoặc hội chứng ác tính do thuốc an thần tăng khi sử dụng đồng thời thuốc chống loạn thần, như quetiapin, cho bệnh nhân đang dùng sertralin, như mô tả trong tờ thông tin sản phẩm của sertralin được phê duyệt tại Anh. Khi sử dụng đơn độc, thuốc chống loạn thần quetiapin cũng được báo cáo có thể gây ra hội chứng ác tính do thuốc an thần. Tuy nhiên, nguy cơ hội chứng serotonin tăng khi dùng đồng thời quetiapin và sertralin không được ghi trên nhãn của các thuốc này.

Tương tác tacrolimus - acid mycophenolic và nguy cơ tăng nồng độ thuốc trong máu

Tính đến ngày 10/11/2017, Vigibase đã ghi nhận 24 báo cáo nghi ngờ do tacrolimus hoặc acid mycophenolic, hoặc tương tác giữa 2 thuốc này, liên quan đến tăng nồng độ thuốc trong máu.

Tờ thông tin sản phẩm của acid mycophenolic tại Anh đề cập đến việc phơi nhiễm với thuốc này tăng khi sử dụng đồng thời với tacrolimus (so với khi dùng đồng thời với ciclosporin). Bác sĩ được khuyến cáo lưu ý đến sự gia tăng nồng độ thuốc này và hiệu chỉnh liều acid mycophenolic phù hợp. Tuy nhiên, tờ thông tin sản phẩm của tacrolimus tại Anh không đề cập đến tương tác này. Ngược lại, FDA Hoa Kỳ cảnh báo tương tác này trong tờ thông tin sản phẩm của tacrolimus nhưng không đề cập tới trong tờ thông tin sản phẩm của acid mycophenolic.

Tương tác aspirin - dipyridamol và nguy cơ đi ngoài phân đen

Tính đến ngày 10/11/2017, Vigibase đã ghi nhận 30 báo cáo đi ngoài phân đen (malaena) nghi ngờ do aspirin (hoặc dipyridamol hoặc tương tác giữa 2 thuốc. Số lượng báo cáo tăng lên đến 85 báo cáo khi bổ sung thuật ngữ xuất huyết tiêu hóa (gastrointestinal haemorrhage).

Nhãn thuốc phối hợp 2 hoạt chất này được FDA Hoa Kỳ phê duyệt có đề cập đến “tăng nguy cơ xuất huyết” khi sử dụng aspirin và dipyridamol giải phóng kéo dài. Ngược lại, tờ thông tin sản phẩm phối hợp tại Anh đưa ra thông tin tỷ lệ mắc biến cố xuất huyết không tăng khi dùng đồng thời 2 thuốc.

Tuy nhiên, tờ thông tin sản phẩm tại Anh của aspirin (75 mg) nêu rằng có sự gia tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa khi dùng đồng thời với thuốc chống kết tập tiểu cầu như dipyridamol. Tương tự, tờ thông tin sản phẩm của aspirin tại Hoa Kỳ cũng đề cập đến sự gia tăng nguy cơ khi sử dụng đồng thời aspirin và thuốc chống đông, nhưng không đề cập cụ thể dipyridamol. Hơn nữa, thông tin trong nhãn thuốc dipyridamol cũng không thống nhất: Tờ thông tin sản phẩm tại Hoa Kỳ không đề cập đến nguy cơ xuất huyết và nhãn thuốc tại Anh cho rằng việc sử dụng đồng thời với aspirin không làm tăng nguy cơ chảy máu.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Điểm tin đáng chú ý từ bản tin Adverse Drug Reaction tháng 9/2018 của HSA

Các thuốc chứa valproat và nguy cơ gây dị tật bẩm sinh

- HSA nhắc lại về nguy cơ gây dị tật bẩm sinh của các thuốc chứa valproat.

- Valproat là chất gây quái thai liên quan đến dị tật bẩm sinh và các rối loạn phát triển ở trẻ bị phơi nhiễm với thuốc trong tử cung của người mẹ.

- Cán bộ y tế nên tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về sự cần thiết sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả khi sử dụng valproat và trao đổi về cân bằng lợi ích - nguy cơ khi phơi nhiễm với thuốc trong thai kỳ.

Amoxicilin, amoxicilin/clavulanat và hội chứng quá mẫn do thuốc

- Các trường hợp mắc hội chứng quá mẫn do thuốc (Drug reaction with eosinophilia and systemic symptoms - DRESS) đã được ghi nhận tại Singapore và các nước trên thế giới.

- Hội chứng DRESS tuy hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong. Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm nổi mẩn, sốt, bệnh hạch bạch huyết, bất thường về huyết học và xét nghiệm chức năng gan.

 Thuốc cản quang chứa iod và nguy cơ thiểu năng tuyến giáp (đặc biệt ở trẻ sơ sinh)

- Các trường hợp thiểu năng tuyến giáp sau khi phơi nhiễm với thuốc cản quang chứa iod đã được ghi nhận tại các nước trên thế giới, đặc biệt trên trẻ sơ sinh đủ tháng và thiếu tháng.

- Thiểu năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng bất lợi đến sự tăng trưởng và phát triển tâm thần của trẻ.

- Cán bộ y tế cần đánh giá và theo dõi chức năng tuyến giáp của trẻ sơ sinh phơi nhiễm với thuốc cản quang chứa iod, và tiếp tục theo dõi mọi bất thường ở chức năng tuyến giáp đến khi hồi phục.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cập nhật thông tin về lưu hành, sử dụng thuốc chứa valsartan tại Việt Nam

Ngày 31/8/2018, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn số 16944/QLD-CL cung cấp thông tin về thuốc chứa valsartan. Theo đó, căn cứ thông báo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), Cơ quan Quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Đài Loan và một số cơ quan quản lý dược phẩm khác trên thế giới về việc thu hồi các thuốc chứa valsartan được sản xuất từ nguyên liệu valsartan chứa tạp chất N-nitrosodimethylamin (NDMA) của các nhà sản xuất nguyên liệu Zheijang Huahai Pharmaceutical Co. Ltd; Zhuhai Rundu Pharmaceutical Co. Ltd; Zheijang Tianyu Pharmaceutical Co. Ltd; và Hetero Labs Ltd.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời cung cấp thông tin về thuốc chứa valsartan tiếp tục được sử dụng trong phòng bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược thông báo:

- Thu hồi, ngừng sản xuất, ngừng nhập khẩu nguyên liệu và các thuốc có chứa valsartan được sản xuất từ nguyên liệu valsartan do các công ty Zhuhai Rundu Pharmaceutical Co. Ltd; Zheijang Tianyu Pharmaceutical Co.Ltd; Hetero Labs Ltd sản xuất (chi tiết các thuốc bị thu hồi: Xem trong công văn).

- Cập nhật danh sách các thuốc valsartan đã được công bố tại công văn số 14487/QLD -CL ngày 26/7/2018:

+ Danh mục 1: Danh sách các thuốc chứa valsartan bị đình chỉ lưu hành, thu hồi (39 thuốc trong nước và 15 thuốc nước ngoài).

+ Danh mục 2: Danh sách các thuốc chứa valsartan bị tạm dừng nhập khẩu, lưu hành, sử dụng (13 thuốc).

+ Danh mục 3: Danh sách các thuốc chứa valsartan tiếp tục được lưu hành, sử dụng trong hoạt động phòng bệnh, chữa bệnh (32 thuốc trong nước và 51 thuốc nước ngoài).

Liên quan đến vấn đề này, trước đó Cục Quản lý Dược đã có các công văn số 13125/QLD-CL ngày 10/7/2018 thông báo thu hồi các thuốc chứa valsartan được sản xuất từ nghiên liệu valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical - Trung Quốc sản xuất; công văn số 13441/QLD-CL ngày 13/7/2018 về việc xử lý thuốc chứa hoạt chất valsartan; và công văn số 14487/QLD-CL ngày 26/7/2018 về việc xử lý thuốc chứa dược chất valsartan.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm nước muối sinh lý SAT BB, số lô ĐL 109 sản xuất ngày 08/6/2018 của Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Lợi do không đạt chất lượng

Ngày 07/9/2018, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn số 17253/QLD-MP thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm nước muối sinh lý SAT BB do không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong sản phẩm (số lô: ĐL 109; ngày sản xuất: 08/6/2018; hạn dùng: 08/6/2020, số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 1940/17/CBMP-HN) do Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Lợi (địa chỉ: Thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) sản xuất.

 Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Lợi gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; và yêu cầu Sở y tế TP. Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần quốc tế Đại Lợi trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT -BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và các quy định khác có liên quan và giám sát việc thu hồi lô sản phẩm không đáp ứng quy định.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: