Tóm tắt
Nội dung bài
1. AMPICILIN/ CEFOTAXIM (NHẬT BẢN)
Bé gái 11 tuổi gặp phát ban kèm tăng bạch cầu ưa eosin và các triệu chứng toàn thân (tức hội chứng DRESS) trong thời gian dùng ampicillin và cefotaxim điều trị viêm màng não.
Cho bệnh nhi nhập viện vì viêm màng não, dùng 0,5 gam ampicillin và 1,0 gam cefotaxim từng 6 giờ. Bệnh nhi bị sốt, ban đỏ và ngứa sau khi dùng thuốc 20 ngày, phải ngừng dùng 2 kháng sinh này. Bệnh cảnh: phát ban da dạng sởi gồm nhiều vết và bọng ban đỏ phân bố cả hai bên đối diện ở nhiều nơi của cơ thể; phát ban tiếp tục tiến triển thành ban đỏ lan tỏa và có phù nhẹ. Bắt đầu điều trị bằng glycyrrhizin, ketotifen và mequitazine. Ban đỏ kèm giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa eosin, rối loạn chức năng gan, tăng hàm lượng CRP và có các lymphô bào không điển hình lưu thông, tồn tại trong 1 tuần, sau đó thuyên giảm dần, còn để lại nhiễm sắc tố.
28 ngày được ra viện, lúc đó có lượng bạch cầu 9200/microlit, lượng bạch cầu ưa eosin 1700/ microlit, mức CRP 0,6mg/dl, AST 50 đơn vị/ lít, ALT 80 đơn vị/ lít và LDL 462 đơn vị/ lít.
Làm test kích thích lymphô bào do thuốc (DLST), thấy dương tính với cả ampicillin (chỉ số kích thích là 218%) và cefotaxim (1069%), nhưng test miếng dán chỉ cho phản ứng dương tính với ampicillin.
Sau 3 năm theo dõi, cháu gái không gặp tái phát về sinh học và lâm sàng. Phối hợp ampicillin+ cefotaxim có thể gây hội chứng DRESS, chủ yếu là cefotaxim.
Trung tâm ADR quốc tế đã nhận được 2 báo cáo, chưa có hội chứng DRESS với ampicillin, nhưng có các hội chứng quá mẫn cảm mà không kèm tăng bạch cầu ưa eosin và các triệu chứng hệ thống như mô tả ở trên.
(Pediatrics International; 50: 406-408; số 3; 6/2008)
2. CARBAMAZEPIN; HỘI CHỨNG DRESS (BULGARIA).
Một số bệnh nhân gặp phát ban+ tăng bạch cầu ưa eosin+ các triệu chứng toàn thân (gọi là hội chứng DRESS):
Bệnh nhân 1:
Nam giới 23 tuổi, bắt đầu dùng carbamazepin vì động kinh sau phẫu thuật. Sau đó khoảng 1 tháng, phải nhập viện vì có tiền sử 3 ngày phát ban và sốt. Sau đó 2 tuần, có dùng cefalexin, dipyrone và paracetamol chữa sốt >38oC và viêm họng. Khi vào viện, có nhiệt độ 37,40C, tần số tim 94 nhịp/ phút, gan hơi to và bệnh hạch bạch huyết. Có gặp ban da dát sần lan tỏa ở mặt, lưng, chân tay, gặp một phần ở lòng bàn tay chân, mũi- môi, đầu gối, khuỷu tay. Phát ban da phát triển thành ban đỏ da tróc vẩy, bạch cầu tăng 11 x109 /lít với 20% bạch cầu ưa eosin (trước đây là 6 x109/lít với 9% bạch cầu ưa eosin).
Xét nghiệm khác cho thấy: hemoglobin 143gam/lít, tiểu cầu 22 x109/lít, ALT 309 đơn vị /lít, AST 120 đơn vị /lít, LDH 593 đơn vị /lít. Máu ngoại biên có các dải bạch cầu ưa eosin, lymphô bào trong huyết tương và các hạt có độc tính trong bạch cầu trung tính. Siêu âm cho thấy có gan to vừa phải và có hủy hoại nhu mô gan lan tỏa. Xử trí bằng cách giảm dần liều carbamazepin và bắt đầu thay bằng acid valproic.
Bệnh nhân 2:
Nữ giới 28 tuổi, bắt đầu dùng carbamazepin, clonazepam và chlorprothien để chữa rối loạn lưỡng cực tái phát. Gặp ban da ngứa, sốt 400C và ớn lạnh sau 3 tuần dùng thuốc, điều trị ban đầu gồm amoxicillin/ acid clavulanic và gentamicin, vì nghi là viêm phổi. Khám nghiệm cho thấy ban đỏ da tróc vẩy, phù quanh hốc mắt và bệnh hạch lymphô lan tỏa.Tần số tim 86 nhịp/ phút, bạch cầu 21 x 109 /lít với 24% bạch cầu ưa eosin, nồng độ gamma GT 444 đơn vị /lít, creatin_kinase (CK) 618 đơn vị/ lít (CK_ MB 35,6 đơn vị /lít). Tại máu ngoại biên, có lymphô bào; siêu âm bụng cho thấy lách hơi to, tăng tạo dội trong siêu âm gan. Có thâm nhiễm biểu bì da dạng lichen, tế bào sừng thoái hóa.
Ngừng mọi thuốc hướng thần ngay lập tức và không điều trị gì cho tới khi qua khỏi các triệu chứng ngoài da. Sau khi ra viện sau đó một tuần, bắt đầu dùng acid valproic và quetiapin.
(theo International J.Dermat; 47: 853_860; số 8; 8/2008)
3. QUÁ LIỀU PARACETAMOL (HOA KỲ)
Bệnh nhân nam 78 tuổi bị suy gan, suy thận và rối loạn đông máu kèm hấp thu thất thường và tăng nồng độ paracetamol trong máu sau khi cố ý dùng liều cao paracetamol để tự vẫn.
Bệnh nhân đã có tiền sử bệnh, bao gồm bệnh mạch vành, suy thận mạn, bệnh mạch ngoại biên, đã có cưa cụt một chân, mổ thận bên trái và lo âu. Đã uống khoảng 96 viên nén (48 gam) paracetamol trong khoảng thời gian một giờ. Các viên nén là viên bao, giải phóng nhanh loại 500mg paracetamol. Cùng dùng đồng thời lorazepam, sertraline và metoprolol. Sau đó bị lú lẫn và buồn ngủ.
Sau khi tự vẫn 2,25 giờ, thấy nồng độ paracetamol là 246 microgam/ml. Xét nghiệm cho biết AST là 8 đơn vị /lít, ALT là 22 đơn vị /lít, thời gian prothombin là 13,5 giây. Phân tích nước tiểu thấy có lượng lớn esterase bạch cầu, nước tiểu dương tính với các benzodiazepin.
Tiêm tĩnh mạch acetylcystein sau khi ngộ độc 5 giờ. Do bị lú lẫn, nên bệnh nhân không thể uống được than hoạt. Sau 6,25 giờ sau khi ngộ độc, thấy nồng độ paracetamol là 281 microgam/ml. Ngừng dùng acetylcystein vì thấy trạng thái bệnh nhân có cải thiện, lúc đó các nồng độ ALT, AST, bilirubin trở lại bình thường và nồng độ paracetamol là 116 microgam/ml.
Sau khoảng 48 giờ, nồng độ paracetamol lại tăng tới 228 microgam/ml. Dùng furosemide, gabapentin, heparin, salbutamol và polyvitamin. Ngừng dùng simvastatin. Sau thời gian 24 giờ không dùng thuốc, lại tiếp tục tiêm acetylcystein; khi đó, AST là 395 đơn vị/lít và ALT là 453 đơn vị /lít, lactat 43,2 mg/dl và phosphat 6,5 mg/dl. AST và ALT vẫn tiếp tục tăng cho tới 5 ngày sau (tương ứng là 4350 và 5641 đơn vị/lít). Creatinin, ammonia và thời gian prothrombin cũng tăng (tương ứng là 4,2 mg/dl, 165 microgam/ml và 51,4 giây), INR là 6,6.
Tiếp tục chống độc bằng acetylcystein, dần dần thì các rối loạn đông máu, suy thận và các nồng độ AST, ALT cũng được cải thiện. Vào ngày thứ 12 sau khi nhập viện, bệnh nhân được ra viện với mức xét nghiệm trở lại mức cơ bản.
(theo Ann. Pharmacother; 42: 1333_1339; số 9; 9/2008)
4. PARACETAMOL LÀM TĂNG NGUY CƠ ĐAU TỦY XƯƠNG (HOA KỲ)
Nghiên cứu dịch tễ học trên 117 bệnh nhân bị đa u tủy xương nguyên phát và 483 người trong nhóm chứng dùng aspirin và paracetamol và nguy cơ đa u tủy xương.
Người dùng thường xuyên là dùng thuốc giảm đau ít nhất 1 lần mỗi tuần, dùng trong 6 tháng. Người không dùng thường xuyên dùng để đối chiếu trong nghiên cứu.
Không có quan hệ có ý nghĩa giữa người dùng thường xuyên aspirin với nguy cơ đa u tủy xương (nguy cơ tương đối là 0,68; 0,36 – 1,29) hoặc dùng kéo dài (1,22; 0,75 – 1,29). Tuy nhiên, dùng thường xuyên paracetamol đã làm tăng nguy cơ đa u tủy xương (2,95; 1,72 – 5,08).
Có liên quan rõ rệt với đáp ứng liều lượng cũng được ghi nhận với tần số cao hơn và sự kéo dài sử dụng paracetamol.
(theo Leukemia Research; 31: 547_551; số 4; 4/2007)
5. CAPTOPRIL GÂY THIẾU MÁU TAN MÁU (HOA KỲ)
Bệnh nhân nữ 91 tuổi bị thiếu máu tan máu trong thời gian dùng captopril để điều trị bệnh tim sung huyết.
Bệnh nhân vào viện với bệnh tim sung huyết, chức năng gan bất thường do sung huyết gan và cung lượng tim thấp gây suy thận. Bệnh nhân dùng diltiazem, digoxin, furosemide, heparin và warfarin. Vào ngày thứ 3 sau khi nhập viện, bắt đầu dùng captopril 6,25mg, ngày 3 lần và sau đó 2 ngày, thấy mức Hb giảm từ 12,0 xuống còn 8,2 gam/dl.
Ngừng dùng heparin và warfarin đồng thời được truyền máu. Test xét nghiệm cho thấy bằng chứng tan máu với mức Hb giảm < 10 mg/dl, tăng lactat dehydrogenase là 264 đơn vị/ lít, tăng bilirubin không liên hợp lên 2,0 mg/dl. Lượng hồng cầu lưới tăng 6%. Ngừng dùng captopril do nghi thiếu máu tan máu do thuốc này. Sau khi ngừng captopril 1 ngày, mức bilirubin không liên hợp đã tăng lên, nhưng sau 3 ngày, lại bắt đầu giảm. Mức Hb đã ổn định và tăng tới 11,2 gam/dl sau 5 ngày. Sau khi ngừng captopril 12 ngày, thấy hàm lượng haptoglobin trở về gần tới mức cơ bản là 66 mg/dl.
(theo Herz; 32: 62-64; số 1; 02/2007)