ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
 Lê Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Tuyến, Lương Anh Tùng, Nguyễn Mai Hoa
Từ khóa:  

Nội dung bài

Gabapentin (Neurontin): Nguy cơ ức chế hô hấp nặng

Nguy cơ ức chế hô hấp 

Theo bản tin Drug Safety Update tháng 10/2017 của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm y tế Anh (MHRA), một cuộc rà soát về gabapentin tại châu Âu đã được tiến hành sau khi có các báo cáo về ức chế hô hấp trên bệnh nhân sử dụng thuốc này không đồng thời với các opioid. Trước đây, ức chế hô hấp đã được ghi nhận ở bệnh nhân dùng gabapentin phối hợp với các opioid.

Sau khi rà soát y văn và các báo cáo tự nguyện trên toàn thế giới, cuộc rà soát trên đã đưa ra khuyến cáo nên bổ sung cảnh báo về ức chế hô hấp nặng vào thông tin sản phẩm của gabapentin (tần suất hiếm gặp, xảy ra với tỷ lệ <1/1.000 bệnh nhân).

Khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ: 

Có thể cần hiệu chỉnh liều ở những bệnh nhân có tăng nguy cơ gặp ức chế hô hấp nặng này, bao gồm:

- Suy giảm chức năng hô hấp hoặc mắc bệnh lý hô hấp;

- Có bệnh thần kinh;

- Suy thận;

- Sử dụng đồng thời các thuốc ức chế thần kinh trung ương;

- Bệnh nhân cao tuổi.

Nhắc lại nguy cơ khi sử dụng đồng thời với opioid 

Bác sĩ cần thận trọng khi kê đơn gabapentin cho bệnh nhân sử dụng đồng thời với opioid. Cần theo dõi cẩn thận các dấu hiệu ức chế thần kinh trung ương, bao gồm ngủ gà, an thần, ức chế hô hấp. Liều gabapentin hoặc opioid có thể được cân nhắc giảm đi phù hợp.

Khuyến cáo dành cho cán bộ y tế:

- Nắm được nguy cơ ức chế thần kinh trung ương, trong đó có ức chế hô hấp nặng khi sử dụng gabapentin.

- Cân nhắc hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân có nguy cơ cao ức chế hô hấp, bao gồm người cao tuổi, bệnh nhân suy giảm chức năng hô hấp, bệnh nhân mắc bệnh lý thần kinh hoặc hô hấp hoặc suy thận và bệnh nhân sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác.

-------------------------------------------------------

Quinin: Nhắc lại tác dụng kéo dài khoảng QT phụ thuộc liều và cập nhật về tương tác thuốc

Theo bản tin Drug Safety Update tháng 11/2017 của MHRA, quinin có tác dụng kéo dài khoảng QT phụ thuộc liều dùng và nên sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT hoặc block nhĩ thất.

Các tác dụng trên tim

Quinin đã được biết có tác dụng kéo dài khoảng QT. Cuộc rà soát thường kỳ của châu Âu năm 2017 đã khuyến cáo rằng thông tin sản phẩm của thuốc chứa quinin nên được bổ sung cảnh báo về tác dụng kéo dài khoảng QT phụ thuộc liều.

Bác sĩ cần thận trọng khi kê đơn các thuốc chứa quinin cho bệnh nhân sẵn có các tình trạng có khả năng dẫn đến kéo dài khoảng QT, như sẵn mắc bệnh lý tim hoặc rối loạn điện giải, hoặc bệnh nhân đang dùng các thuốc khác có khả năng kéo dài khoảng QT. Bệnh nhân block nhĩ thất cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc này do quinin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giảm dẫn truyền xung động tim.

Tương tác qua CYP3A4 với các thuốc khác

Quinin được chuyển hóa bởi cytochrom P450 tại gan, chủ yếu bởi CYP3A4. Cuộc rà soát năm 2017 đã xác định được một nghiên cứu dược động học cho thấy nồng độ của phenobarbital hoặc carbamazepin trong huyết thanh có thể tăng lên khi dùng đồng thời các thuốc này với quinin. Mặc dù dữ liệu trong nghiên cứu này còn hạn chế, kết quả trên cho thấy bệnh nhân sử dụng đồng thời quinin và các thuốc chống động kinh trên cần được theo dõi để phát hiện độc tính có thể xảy ra.

Do CYP3A4 liên quan đến chuyển hóa của nhiều thuốc, bác sĩ cần tham khảo danh sách tương tác thuốc trong tóm tắt đặc tính sản phẩm trước khi kê đơn quinin cho bệnh nhân.

Khuyến cáo dành cho cán bộ y tế:

- Nắm được tác dụng kéo dài khoảng QT phụ thuộc liều dùng và thận trọng khi kê đơn quinin cho các đối tượng bệnh nhân sau:

+ Đang có các tình trạng có khả năng kéo dài khoảng QT như sẵn mắc bệnh lý tim hoặc rối loạn điện giải;

+ Đang dùng kèm các thuốc có thể kéo dài khoảng QT;

+ Block nhĩ thất.

- Cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong trường hợp dùng quinin phối hợp với phenobarbital hoặc carbamazepin; nồng độ của các thuốc chống co giật này trong huyết thanh có thể tăng lên và gây ra độc tính.

-------------------------------------------------------

Levonorgestrel sử dụng trong tránh thai khẩn cấp: Cập nhật thông tin dược lý

Ngày 13/11/2017, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 18584/QLD-ĐK yêu cầu cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa levonorgestrel sử dụng trong tránh thai khẩn cấp. Theo đó:

Chuyển hóa của levonorgestrel tăng lên khi sử dụng đồng thời levonorgestrel với các thuốc gây cảm ứng enzym gan, chủ yếu là thuốc gây cảm ứng enzym CYP3A4. Phối hợp efavirenz và levonorgestrel làm giảm nồng độ levonorgestrel trong huyết tương khoảng 50%.

Các thuốc khác nghi ngờ có khả năng làm giảm nồng độ levonorgestrel tương tự trong huyết tương gồm các dẫn chất barbiturat (bao gồm cả primidon), phenytoin, carbamazepin, các thuốc có nguồn gốc dược liệu chứa Hypericum perforatum (St. John’s Wort), rifampicin, ritonavir, rifabutin và griseofulvin.

Phụ nữ khi đã dùng thuốc cảm ứng enzym trong vòng 4 tuần trước đó, cần sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp là biện pháp tránh thai không chứa hormon (ví dụ đặt vòng tránh thai trong tử cung). Đối với phụ nữ không thể hoặc không sẵn sàng đặt vòng tránh thai trong tử cung, có thể uống liều gấp đôi levonorgestrel (nghĩa là 3000 microgam trong vòng 72 giờ sau khi giao hợp không an toàn). Tuy nhiên, việc phối hợp liều gấp đôi levonorgestrel và chất cảm ứng enzym chưa được nghiên cứu đầy đủ.

 -------------------------------------------------------

Citicolin đường tiêm: Cập nhật thông tin hướng dẫn sử dụng

Ngày 13/11/2017, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 18583/QLD-ĐK cập nhật hướng dẫn sử dụng đối với thuốc chứa citicolin dùng đường tiêm. Theo đó:

- Citicolin chỉ được chỉ định cho giai đoạn cấp của chấn thương sọ não kèm rối loạn tri giác ở người lớn.

- Liều trung bình của citicolin là 500-750 mg trong 24 giờ. Thuốc được dùng qua đường tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên đường tiêm truyền tĩnh mạch được ưu tiên sử dụng hơn so với đường tiêm bắp. Trong trường hợp tiêm tĩnh mạch, tốc độ tiêm phải chậm (3-5 phút tùy thuộc liều). Trong trường hợp truyền tĩnh mạch, tốc độ truyền phải từ 40-60 giọt/phút.

- Trong trường hợp chảy máu nội sọ xuất hiện đột ngột và dai dẳng, liều khuyến cáo không vượt quá 1000 mg mỗi ngày và cần truyền với tốc độ truyền rất chậm (30 giọt/phút).

- Hướng dẫn sử dụng của các thuốc chứa citicolin dùng đường tiêm cũng cần bổ sung tác dụng không mong muốn về hiện tượng kích thích có hồi phục liên quan đến việc sử dụng citicolin đã được báo cáo.

-------------------------------------------------------

Metformin: Cập nhật hướng dẫn sử dụng trong điều trị đái tháo đường typ 2

Ngày 08/11/2017, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 18366/QLD-ĐK về việc cập nhật hướng dẫn sử dụng đối với thuốc chứa hoạt chất điều trị đái tháo đường typ 2. Theo đó, metformin bị chống chỉ định cho bệnh nhân suy thận nặng (mức lọc cầu thận ước tính [eGFR] dưới 30 mL/phút/1,73 m2); bệnh nhân đã có tiền sử quá mẫn với metformin; bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa cấp tính hoặc mãn tính, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường. Mục Liều dùng và cách dùng và Cảnh báo và thận trọng cũng được sửa đổi để phản ánh các thông tin:

Mục Liều dùng và cách dùng:

- Liều khuyến cáo:

Liều khởi đầu đối với bệnh nhân đang không sử dụng metformin là 500 mg, một lần/ngày, dùng đường uống. Nếu bệnh nhân không gặp phản ứng có hại đường tiêu hóa và cần phải tăng liều thì có thể dùng thêm 500 mg sau mỗi khoảng thời gian điều trị từ 1 đến 2 tuần. Liều dùng của metformin cần được cân nhắc điều chỉnh trên từng bệnh nhân cụ thể dựa trên hiệu quả và độ dung nạp của bệnh nhân và không vượt quá liều tối đa được khuyến cáo là 2000 mg/ngày.

- Khuyến cáo sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy thận:

+ Đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với metformin và đánh giá định kỳ sau đó.

+ Chống chỉ định metformin trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 mL/phút/1,73 m2

+ Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30-45 mL/phút/1,73 m2.

+ Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin và có eGFR giảm xuống dưới 45 mL/phút/1,73 m2, đánh giá nguy cơ - lợi ích khi tiếp tục điều trị.

+ Ngừng sử dụng metformin nếu bệnh nhân có eGFR giảm xuống dưới 30 mL/phút/1,73 m2.

- Ngừng sử dụng metformin khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod.

Trên bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng từ 30 - 60 mL/phút/1,73 m2, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, hoặc bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod qua đường động mạch, cần ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Đánh giá lại mức lọc cầu thận sau khi chiếu chụp 48 giờ, và chỉ sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định.

Mục Cảnh báo và thận trọng được cập nhật về nguy cơ nhiễm toan lactic:

Quá trình giám sát hậu mại đã ghi nhận những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin, bao gồm cả trường hợp tử vong, giảm thân nhiệt, tụt huyết áp, loạn nhịp chậm kéo dài. Khởi phát của tình trạng nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin thường không dễ phát hiện, kèm theo các triệu chứng không điển hình như khó chịu, đau cơ, suy hô hấp, lơ mơ và đau bụng. Nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin được đặc trưng bằng nồng độ lactat tăng lên trong máu (>5 mmol/L), khoảng trống anion (không có bằng chứng của keto niệu hoặc keto máu), tăng tỷ lệ lactat/pyruvat và nồng độ metformin huyết tương tăng >5 microgam/mL.

Yếu tố nguy cơ của nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin bao gồm suy thận, sử dụng đồng thời với một số thuốc nhất định (ví dụ các chất ức chế carbonic anhydrase như topiramat), từ 65 tuổi trở lên, có thực hiện chiếu chụp sử dụng thuốc cản quang, phẫu thuật và thực hiện các thủ thuật khác, tình trạng giảm oxy hít vào (ví dụ suy tim sung huyết cấp), uống nhiều rượu và suy gan.

Trong trường hợp nghi ngờ có toan lactic liên quan đến metformin, nên ngừng sử dụng metformin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện và tiến hành các biện pháp xử trí. Ở những bệnh nhân đã điều trị với metformin, đã được chẩn đoán toan lactic hoặc nghi ngờ có khả năng cao bị toan lactic, khuyến cáo nhanh chóng lọc máu để điều chỉnh tình trạng nhiễm toan và loại bỏ phần metformin đã bị tích lũy (metformin hydroclorid có thể thẩm tách được với độ thanh thải 170 mL/phút trong điều kiện huyết động học tốt). Lọc máu có thể làm đảo ngược triệu chứng và hồi phục…

-------------------------------------------------------

Cập nhật thông tin về sử dụng mifepriston phối hợp với misoprostol để phá thai

Ngày 07/12/2017,  Cục Quản lý Dược đã có công văn số 20534/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin về sử dụng Mifepriston phối hợp với Misoprostol để phá thai. Theo đó, thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc phải được cập nhật, bổ sung về Chỉ định, Liều dùng và cách dùng đối với chỉ định phá thai và Chống chỉ định phải được bổ sung đầy đủ theo “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế”. Mục Cảnh báo và thận trọng phải bổ sung thông tin cảnh báo “Việc tự sử dụng thuốc đế phá thai có thể nguy hiểm đến tính mạng, đề nghị tuân thủ hướng dẫn của Bác sỹ điều trị và hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được quy định tại Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế” và in rõ ràng, đậm nét để có thể nhận biết được rõ ràng thông tin này.

Các đơn vị  cần tăng cường thực hiện việc theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc trong quá trình sử dụng và lưu hành; gửi báo cáo ADR (nếu có) về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc TP. Hồ Chí Minh.

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: