Phản ứng quá mẫn liên quan đến oxaliplatin
Phản ứng quá mẫn liên quan đến oxaliplatin
DS. Nguyễn Hoàng Anh 
Từ khóa:  

Nội dung bài

Oxaliplatin là một dẫn chất platinum thế hệ ba, tạo liên kết chéo với ADN, qua đó ức chế sự tổng hợp, phiên mã cũng như các chức năng khác của DNA. Khác với các dẫn chất platinum khác, các enzym sửa chữa DNA không thể nhận ra phức hợp (adduct) oxaliplatin-ADN do kích thước lớn và kỵ nước hơn. Vì vậy, phức hợp được hình thành bởi oxaliplatin có hiệu quả trong ức chế tổng hợp ADN hơn cisplatin và carboplatin [1]. Oxaliplatin thường được sử dụng kết hợp với fluorouracil và leucovorin trong điều trị ung thư đại trực tràng và một số bệnh lý ác tính khác [2].

Tương tự các hóa trị liệu khác trong điều trị ung thư, oxaliplatin có khả năng gây các phản ứng quá mẫn với nhiều mức độ khác nhau. Phản ứng có thể xảy ra trong vòng vài phút sau khi sử dụng thuốc và ở bất cứ chu kỳ điều trị nào, tuy nhiên tỷ lệ xảy ra phản ứng tăng lên khi bệnh nhân đã qua nhiều chu kỳ điều trị. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ xảy ra phản ứng dao động từ 13,7% đến 15% [3]. Một nghiên cứu khác trên 393 bệnh nhân Hàn Quốc ghi nhận 10,7% bệnh nhân điều trị với các phác đồ có chứa oxaliplatin gặp phản ứng quá mẫn mặc dù đa số bệnh nhân đều được dự phòng với dexamethason. Phản ứng xảy ra sau trung bình 8 chu kì điều trị (dao động từ 1-12), thời gian trung bình khởi phát phản ứng là 40 phút từ lúc bắt đầu truyền (dao động từ 10-120) [4]. Phản ứng quá mẫn có biểu hiện đa dạng trên nhiều hệ cơ quan, bao gồm các triệu chứng nhẹ như nóng bừng, ngứa, rét run, cho đến các phản ứng nặng, đe dọa tính mạng như tụt huyết áp, co thắt phế quản, thậm chí sốc phản vệ. Các biểu hiện thường gặp nhất của phản ứng quá mẫn được tổng hợp tại bảng 1 [5].

Bảng 1: Một số biểu hiện phản ứng quá mẫn trên các hệ cơ quan

Hệ cơ quan

Biểu hiện

Da

Đỏ bừng, ngứa, rát da, toát mồ hôi, đỏ da toàn thân, nổi mề đay, sẩn đỏ, phù nề, phù mặt.

Thần kinh trung ương

Bồn chồn, run, rối loạn thị giác, chóng mặt, chảy nước mắt

Tim mạch

Tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau thượng vị

Hô hấp

Giảm bão hòa oxy, co thắt phế quản, co thắt thanh quản, hắt hơi, thở khò khè, khó thở, suy hô hấp

Tiêu hóa

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng

Chuyển hóa

Sốt, ớn lạnh

Toàn thân

Phù mạch, phản vệ

Cơ sở dữ liệu báo cáo ADR được gửi đến từ các cơ sở khám, chữa bệnh tại Trung tâm DI & ADR Quốc gia giai đoạn 2010-2016 đã ghi nhận 94 báo cáo phản ứng có hại liên quan đến các chế phẩm có chứa oxaliplatin với các biểu hiện chính được mô tả trong bảng 2.

Bảng 2: Một số biểu hiện phản ứng quá mẫn liên quan đến oxaliplatin trong cơ sở dữ liệu báo cáo ADR từ các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2010-2016

STT

Tên biểu hiện

Số lượng

(báo cáo)

Tỷ lệ (%) (N=94)

1

Dị ứng ngoài da (mày đay, ban đỏ, ngứa)

46

49

2

Sốc phản vệ, phản ứng phản vệ

26

28

3

Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy)

17

18

4

Khó thở, SpO2 giảm

13

14

Cơ chế gây phản ứng quá mẫn của oxaliplatin hiện còn chưa được sáng tỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, test trong da với oxaliplatin cho kết quả dương tính ở đa số bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với thuốc cho thấy đây có thể là phản ứng quá mẫn typ 1 thông qua trung gian IgE. Một số phản ứng có thể do giải phóng histamin hoặc cytokin không qua trung gian miễn dịch, bởi vì bệnh nhân có thể tái sử dụng thuốc sau khi được dự phòng với thuốc kháng histamin và corticosteroid [1].

Khi xảy ra phản ứng quá mẫn, cần ngừng truyền thuốc ngay lập tức, đánh giá nhanh người bệnh và thực hiện kịp thời các can thiệp để duy trì ổn định tình trạng đường thở, tuần hoàn của bệnh nhân. Các biện pháp chung bao gồm thở oxy, bù dịch, nếu có hạ huyết áp nặng có thể cần truyền dung dịch keo để làm tăng thể tích tuần hoàn, sử dụng thuốc tùy thuộc tình trạng lâm sàng của bệnh nhân như adrenalin, diphenhydramin, ranitidin, có thể cần sử dụng thêm salbutamol (nếu có co thắt phế quản không đáp ứng với adrenalin), dopamin (nếu huyết áp không cải thiện bằng bù dịch và adrenalin), glucagon (bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta); sử dụng corticosteroid thường không có hiệu quả nhanh nhưng có thể giúp phòng ngừa các phản ứng muộn hoặc tái phát [3].

Theo khuyến cáo chung, không nên sử dụng lại oxaliplatin trên bệnh nhân đã gặp phản ứng quá mẫn. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đã có đáp ứng tốt với oxaliplatin trong khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ điều trị có thể cân nhắc tái sử dụng thuốc cùng với biện pháp dự phòng, mặc dù hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa được chứng minh chắc chắn và vẫn có ghi nhận bệnh nhân sau khi được dự phòng mẫn cảm vẫn gặp phản ứng nặng hơn khi tái sử dụng thuốc [1], [5]. Bệnh nhân bị phản ứng quá mẫn mức độ nhẹ đến trung bình có thể tiếp tục sử dụng oxaliplatin khi được dự phòng bằng corticosteroid, kháng histamin và kéo dài thời gian truyền lên 6 giờ thay vì 2 giờ như thông thường. Đối với bệnh nhân gặp phản ứng quá mẫn nặng, điều trị dự phòng trước khi truyền thuốc tỏ ra không có hiệu quả, tuy nhiên, một số báo cáo đơn lẻ đã ghi nhận việc tái sử dụng oxaliplatin thành công sau khi sử dụng phác đồ giải mẫn cảm ở những bệnh nhân gặp phản ứng quá mẫn nặng và không có lựa chọn điều trị ngoài oxaliplatin [1], [5], [6], [7].

Bệnh nhân sau khi gặp phản ứng quá mẫn lần đầu nên được thử test da theo một quy trình chuẩn để đánh giá nguy cơ gặp phản ứng quá mẫn. Test lẩy da và test trong da có giá trị dự đoán âm tính rất cao, dao động từ 0,92-0,99 do đó bệnh nhân có cả 2 kết quả test lẩy da và test trong da âm tính có thể tiếp tục điều trị với oxaliplatin. Tuy nhiên kết quả test da âm tính không hoàn toàn loại trừ khả năng bệnh nhân tiếp tục gặp phản ứng quá mẫn, thậm chí là sốc phản vệ với oxaliplatin [2], [3].

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Hewitt, M. R., & Sun, W. (2006). “Oxaliplatin-associated hypersensitivity reactions: clinical presentation and management”, Clinical colorectal cancer, 6(2), 114-117.
  2. 2. J Martin-Lazaro, JL Fírvida, P Berges-Gimeno (2014), “Anaphylaxis After Oxaliplatin Allergy Skin Testing”, J Investig Allergol Clin Immunol, 24(4), 269-270.
  3. 3. Syrigou, E., Syrigos, K., & Saif, M. W. (2008), “Hypersensitivity reactions to oxaliplatin and other antineoplastic agents”, Current allergy and asthma reports, 8(1), 56-62.
  4. 4. Kim MY, et al (2012), “Hypersensitivity reactions to oxaliplatin: clinical features and risk factors in Koreans”, Asian Pacific Journal of Cancer Prevention, 13(4), 1209-1215.
  5. 5. K Bonosky et al (2005), “Hypersensitivity Reactions to Oxaliplatin: What Nurses Need to Know”, Clin J Oncol Nurs,9(3), 325-330.
  6. 6. Kidera, Yasuhiro, et al (2011). "High-dose dexamethasone plus antihistamine prevents colorectal cancer patients treated with modified FOLFOX6 from hypersensitivity reactions induced by oxaliplatin", International journal of clinical oncology, 16(3), 244-249.
  7. 7. Thomas, R. R., Quinn, M. G., Schuler, B., & Grem, J. L. (2003), “Hypersensitivity and idiosyncratic reactions to oxaliplatin”, Cancer, 97(9), 2301-2307.
Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
Phản ứng quá mẫn liên quan đến oxaliplatin
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: