Cảnh báo an toàn thuốc
Cảnh báo an toàn thuốc
Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Mai Hoa 
Từ khóa:  

Nội dung bài

Fluoroquinolon: Cập nhật thông tin dược lý

Tiếp theo công văn số công văn số 24812/QLD-TT ngày 21/12/2016 về việc cung cấp các thông tin cho cán bộ y tế về độ an toàn, hiệu quả của các kháng sinh nhóm fluoroquinolon, ngày 27/4/2017, Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn số 5748/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin dược lý trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đối với kháng sinh nhóm này.

Theo đó, kháng sinh fluoroquinolon dùng đường toàn thân được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không phức tạp, đợt nhiễm khuẩn cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm xoang cấp tính do vi khuẩn. Tuy nhiên, do kháng sinh fluoroquinolon liên quan đến phản ứng có hại nghiêm trọng và các tình trạng trên ở một số bệnh nhân có thể tự khỏi, nên chỉ sử dụng thuốc này cho những bệnh nhân không có lựa chọn điều trị khác thay thế.

Mục “Cảnh báo và thận trọng” trên nhãn thuốc được bổ sung thêm thông tin:

Các phản ứng có hại nghiêm trọng có khả năng không hồi phục và gây tàn tật, bao gồm viêm gân, đứt gân, bệnh lý thần kinh ngoại biên và các tác dụng bất lợi trên thần kinh trung ương.

Kháng sinh nhóm fluoroquinolon có liên quan đến các phản ứng có hại nghiêm trọng có khả năng gây tàn tật và không hồi phục trên các hệ cơ quan khác nhau của cơ thể. Các phản ứng này có thể xuất hiện đồng thời trên cùng bệnh nhân. Các phản ứng có hại thường được ghi nhận gồm viêm gân, đứt gân, đau khớp, đau cơ, bệnh lý thần kinh ngoại vi và các tác dụng bất lợi trên hệ thống thần kinh trung ương (ảo giác, lo âu, trầm cảm, mất ngủ, đau đầu nặng và lú lẫn). Các phản ứng này có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Bệnh nhân ở bất kỳ tuổi nào hoặc không có yếu tố nguy cơ tồn tại từ trước đều có thể gặp những phản ứng có hại trên.

Ngừng sử dụng thuốc ngay khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng đầu tiên của bất kỳ phản ứng có hại nghiêm trọng nào. Thêm vào đó, tránh sử dụng các kháng sinh nhóm fluoroquinolon cho các bệnh nhân đã từng gặp các phản ứng nghiêm trọng liên quan đến nhóm thuốc.

 

Cập nhật hướng dẫn sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trừ aspirin về nguy cơ biến cố huyết khối tim mạch nghiêm trọng

Trong thời gian qua, các Cơ quan Quản lý Dược phẩm trên thế giới đã tiến hành phân tích, đánh giá độ an toàn trên tim mạch khi sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trừ aspirin. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và phân tích, nhiều Cơ quan Quản lý Dược phẩm (FDA Hoa Kỳ, EMA, TGA, Health Canada, HSA, ...) đã yêu cầu cập nhật nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng của các NSAID không phải aspirin để tăng cường cảnh báo về việc tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch nghiêm trọng, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong cũng như khuyến cáo sử dụng các NSAID không phải aspirin ở mức liều hàng ngày thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tiếp theo công văn số 22982/QLD-TT, ngày 14/12/2015 về việc cung cấp các thông tin cho cán bộ y tế về độ an toàn của NSAID và không phải là aspirin, ngày 27/4/2017, Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn số 5749/QLD-ĐK cập nhật hướng dẫn sử dụng NSAID và không phải aspirin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Theo đó, đối với tất cả các thuốc chống viêm không steroid, không phải aspirin và diclofenac dùng đường toàn thân: Bổ sung nguy cơ huyết khối tim mạch vào mục “Cảnh báo và thận trọng” và mục “Tác dụng không mong muốn” trên nhãn thuốc.

- Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), không phải aspirin, dùng đường toàn thân, có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm trong vài tuần đầu dùng thuốc và có thể tăng lên theo thời gian dùng thuốc. Nguy cơ huyết khối tim mạch được ghi nhận chủ yếu ở liều cao.

- Bác sĩ cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện của các biến cố tim mạch, ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng tim mạch trước đó. Bệnh nhân cần được cảnh báo về các triệu chứng của biến cố tim mạch nghiêm trọng và cần thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng này.

- Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến cố bất lợi, cần sử dụng thuốc ở liều hàng ngày thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Riêng với thuốc chứa diclofenac dùng đường toàn thân (đường uống, tiêm và đặt trực tràng): Chống chỉ định cho bệnh nhân suy tim sung huyết (từ độ II đến độ IV theo phân độ chức năng của suy tim theo Hội Tim New York - NYHA), bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh mạch máu não. Cần cân nhắc cẩn thận khi sử dụng diclofenac cho bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch rõ rệt (như tăng huyết áp, tăng lipid huyết thanh, đái tháo đường, nghiện thuốc lá).

 

Hydroxyzin: Cập nhật thông tin dược lý nhằm giảm thiểu nguy cơ liên quan đến nhịp tim

Trong thời gian qua, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã tiến hành đánh giá lại độ an toàn của thuốc chứa hoạt chất hydroxyzin và đưa ra các biện pháp mới nhằm giảm thiểu nguy cơ liên quan đến nhịp tim khi sử dụng các thuốc chứa hoạt chất hydroxyzin. Tiếp theo công văn số 20391/QLD-TT ngày 02/11/2015 của Cục Quản lý Dược về việc cung cấp các thông tin cho cán bộ y tế về độ an toàn của các thuốc chứa hoạt chất hydroxyzin, ngày 27/4/2017 Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn số 5750/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa hoạt chất hydroxyzin.

Theo đó, hydroxyzin cần được sử dụng ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể. Ở người lớn và trẻ em có cân nặng trên 40 kg, liều tối đa hàng ngày là 100 mg/ngày. Ở người cao tuổi, không nên sử dụng hydroxyzin, nếu bắt buộc phải dùng, liều dùng tối đa hàng ngày là 50 mg/ngày. Ở trẻ em có cân nặng dưới 40 kg, liều tối đa hàng ngày là 2 mg/kg/ngày.

Chống chỉ định hydroxyzin cho bệnh nhân có kéo dài khoảng QT mắc phải hoặc bẩm sinh; bệnh nhân có yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT bao gồm bệnh tim mạch, rối loạn điện giải nghiêm trọng (hạ kali máu, hạ magnesi máu), tiền sử gia đình có người đột tử do nguyên nhân tim mạch, chậm nhịp tim nghiêm trọng hoặc đang sử dụng các thuốc có nguy cơ kéo dài khoảng QT hoặc gây xoắn đỉnh.

Chống chỉ định sử dụng kết hợphydroxyzin với các thuốc gây kéo dài khoảng QT hoặc gây xoắn đỉnh do làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim: các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (như quinidin, disopyramid) và nhóm III (như amiodaron, sotalol), một số thuốc kháng histamin, một số thuốc chống loạn thần (như haloperidol), một số thuốc chống trầm cảm (như citalopram, escitalopram), một số thuốc chống sốt rét (như mefloquin), một số thuốc kháng sinh (như erythromycin, levofloxacin, moxifloxacin), một số thuốc kháng nấm (như pentamidin), một số thuốc tác dụng trên hệ tiêu hóa (như prucaloprid), một số thuốc được sử dụng trong ung thư (ví dụ toremifen, vandetanib), methadon.

Thận trọng khi sử dụng hydroxyzin cùng các thuốc làm chậm nhịp tim và gây hạ kali máu. Bên cạnh đó, hydroxyzin được chuyển hóa bởi enzym alcol dehydrogenase và CYP3A4, CYP3A5. Do đó, khi sử dụng đồng thời hydroxyzin với các thuốc có khả năng ức chế những enzym này có thể làm tăng nồng độ hydroxyzin trong máu.

 

Warfarin: Cập nhật nhãn về chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da

Ngày 30/3/2017, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 4040/QLD-TT cung cấp các thông tin cho cán bộ y tế về độ an toàn, hiệu quả của các thuốc chứa warfarin. Sau đó là công văn số 5751/QLD-ĐK ngày 27/4/2017 về việc cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa warfarin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Theo công văn này, mục “Cảnh báo và thận trọng” trên nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cần được bổ sung thông tin về chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (calciphylaxis): Đây là hội chứng hiếm gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng này thường gặp trên bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối có lọc máu hoặc trên bệnh nhân có một số yếu tố nguy cơ như: thiếu hụt protein C hoặc S, tăng phosphat máu, tăng calci máu hoặc hạ albumin máu. Các trường hợp calci hóa mạch máu và hoại tử da đã được ghi nhận trên cả bệnh nhân sử dụng warfarin không có bệnh lý thận. Trong trường hợp xảy ra hội chứng này, bệnh nhân cần được xử trí thích hợp và cân nhắc ngừng sử dụngwarfarin.

Chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (calciphylaxis) cũng được bổ sung vào mục “Tác dụng không mong muốn” trên nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dung thuốc.

Trước đây, tháng 7/2016, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Sản phẩm y tế Anh (MHRA) đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (calciphylaxis) liên quan đến việc sử dụng thuốc chứa warfarin. Một cuộc rà soát trên toàn châu Âu cho thấy việc sử dụng warfarin có thể dẫn tới tình trạng calci hóa mạch máu và hoại tử da. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao.

 

Testosteron: Cập nhật thông tin dược lý

Tháng 02/2015, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 2484/QLD-TT cung cấp thông tin cho cán bộ y tế về độ an toàn, hiệu quả của các thuốc chứa testosteron. Ngày 19/5/2017, Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn số 6922/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa testosteron.

Theo đó, testosteron được chỉ định điều trị thiểu năng sinh dục do thiếu hormon hướng sinh dục (do bẩm sinh hoặc mắc phải): thiếu hụt gonadotropin hoặc hormon kích thích giải phóng hormon tạo hoàng thể (LHRH), tổn thương trục tuyến yên - dưới đồi do khối u, chấn thương, hoặc bức xạ. Độ an toàn và hiệu quả của testosteron trên nam giới bị thiểu năng sinh dục do lão hóa (còn được gọi là “thiểu năng sinh dục khởi phát muộn”) chưa được chứng minh. Trước khi bắt đầu sử dụng testosteron, cần chẩn đoán xác định tình trạng thiểu năng sinh dục bằng cách đo nồng độ testosteron huyết thanh vào buổi sáng trong hai ngày khác nhau và kết quả nồng độ testosteron đo được đều thấp hơn khoảng giá trị bình thường.

Mục “Cảnh báo và thận trọng” trên nhãn thuốc cũng được cập nhật thêm các thông tin về nguy cơ tim mạch, lạm dụng testosteron và giám sát nồng độ testosteron huyết thanh. Trong đó, testosteron thường bị lạm dụng ở mức liều cao hơn khuyến cáo cho các chỉ định được phê duyệt hoặc sử dụng kết hợp với các hormon steroid sinh dục nam đồng hóa (anabolic androgenic steroid - AAS) khác. Lạm dụng AAS có thể dẫn đến các phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch và thần kinh. Nếu nghi ngờ có lạm dụng testosteron, cần kiểm tra nồng độ testosteron huyết thanh để đảm bảo nồng độ của thuốc nằm trong phạm vi điều trị. Tuy nhiên, nồng độ testosteron có thể nằm trong hoặc thấp hơn mức bình thường ở bệnh nhân lạm dụng các dẫn chất testosteron tổng hợp. Bác sĩ cần tư vấn bệnh nhân lưu ý các phản ứng có hại nghiêm trọng liên quan đến lạm dụng testosteron và các AAS. Ngược lại, cần cân nhắc khả năng lạm dụng testosteron và các AAS trên bệnh nhân gặp biến cố có hại nghiêm trọng trên tim mạch hoặc tâm thần.

Quý đồng nghiệp có thể tham khảo nội dung các văn bản trên tại địa chỉ http://canhgiacduoc.org.vn

Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
: Không hữu dụng  1   2   3   4   5  Rất hữu dụng
:
:
:
:
Gửi bài viết cho bạn bè:
Cảnh báo an toàn thuốc
:
:
Địa chỉ email người nhận
:
:
: