Nội dung bài
Tháng 4/2017, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI & ADR Quốc gia) đã nhận được báo cáo về một bệnh nhân nam, 14 tuổi, sử dụng kháng sinh teicoplanin, dung môi glucose 5% để điều trị vết mổ. Sau khi dùng thuốc hơn một giờ, bệnh nhi có biểu hiện thở nhanh, rét run, sốt cao 38,9oC, mạch nhẹ 114 lần/phút, huyết áp 95/60 mmHg, SpO2 80% và được xử trí bằng methylprednisolon tiêm tĩnh mạch, thở oxy. Thuốc nghi ngờ teicoplanin vẫn tiếp tục được sử dụng, nhưng được pha loãng và kéo dài thời gian truyền. Hai ngày sau, bệnh nhi nổi ban đỏ và ngứa toàn thân. Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhi đã từng bị nổi ban đỏ nhiều, ngứa sau truyền vancomycin. Mặc dù đây là phản ứng liên quan đến teicoplanin ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với vancomycin xảy ra ở Việt Nam duy nhất mà Trung tâm ghi nhận được tính đến nay, nhưng teicoplanin đã được phê duyệt có thể dùng thay thế vancomycin trong một số trường hợp nhiễm khuẩn, nên Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã rà soát lại các thông tin trong y văn liên quan đến việc thay thế này.
Teicoplanin và vancomycin là các kháng sinh glycopeptid, tương tự nhau về cấu trúc hóa học, cơ chế tác dụng, phổ tác dụng và đường thải trừ [1]. Các phản ứng có hại liên quan đến vancomycin hoặc teicoplanin bao gồm hội chứng người đỏ, sốt, nổi ban, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, độc tính trên thận, hội chứng quá mẫn do thuốc và các phản ứng khác [1], [2], [3].
Năm 2010, một tổng quan hệ thống so sánh tác dụng của teicoplanin và vancomycin trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn cho thấy tác dụng của teicoplanin tương đương với vancomycin về tỷ lệ điều trị khỏi trên lâm sàng, điều trị khỏi về vi sinh học và tử vong. Tuy nhiên, tổng số trường hợp tử vong thấp nên đánh giá về tác dụng của các thuốc với tiêu chí tử vong có thể chưa hoàn toàn chính xác [4]. Trước đó, một tổng quan khác cũng kết luận teicoplanin không thua kém vancomycin về hiệu quả điều trị và ít gây ra biến cố bất lợi hơn vancomycin, bao gồm các biến cố yêu cầu ngừng điều trị, độc tính trên thận và hội chứng người đỏ [5].
Theo Dược thư Quốc gia Việt Nam, teicoplanin có thể được dùng thay thếvancomycin trong điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn Gram dương hiếu khí và yếm khí nặng, khi các thuốc khác không còn tác dụng. Teicoplanin cũng có thể dùng thay thế vancomycin hoặc metronidazol trong viêm đại tràng do kháng sinh. Khi phối hợp với các kháng sinh nhóm aminoglycosid, teicoplanin không làm tăng độc với thính giác hoặc thận; vì vậy, teicoplanin phối hợp với gentamicin được dùng thay thế vancomycin vàgentamicin trong dự phòng viêm nội tâm mạc [1]. Tuy nhiên, việc sử dụng teicoplanin ở bệnh nhân quá mẫn với vancomycin không phải lúc nào cũng phù hợp và thường không được khuyến khích [6], [7].
Phản ứng chéo giữa vancomycin và teicoplanin đã được ghi nhận trong nhiều tài liệu, bao gồm các trường hợp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, như hội chứngStevens-Johnson, hội chứng quá mẫn do thuốc, viêm mạch, phản ứng trên huyết học (đặc biệt là giảm bạch cầu trung tính), co thắt phế quản, … [3-15]. Nguyên nhân có thể do vancomycin và teicoplanin có cấu trúc hóa học tương tự nhau, nên kháng thể của một trong các thuốc này được cho rằng sẽ có phản ứng chéo với thuốc còn lại [7]. Đây là phản ứng hiếm gặp, có thể do số trường hợp bệnh nhân dị ứng với vancomycin được chuyển sang sử dụng teicoplanin tương đối thấp.
Theo nghiên cứu của Yuan-Pin Hung và cộng sự trên các bệnh nhân gặp phản ứng sốt, nổi ban hoặc giảm bạch cầu trung tính do vancomycin, có khoảng 10% (12/117) gặp lại phản ứng đó sau khi chuyển sang sử dụng teicoplanin. Tuy nhiên, số trường hợp bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính dovancomycin xuất hiện lại phản ứng này sau khi dùng teicoplanin có thể lên đến 50% (4/8). Do đó, với bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính do vancomycin, cần thận trọng khi thay thế vancomycin bằng teicoplanin [8], thậm chí nên cân nhắc coi giảm bạch cầu trung tính do vancomycin là một chống chỉ định sử dụng teicoplanin để thay thế chovancomycin [16].
Như vậy, cần thận trọng cân nhắc khi sử dụng teicoplanin ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với vancomycin do nguy cơ phản ứng quá mẫn chéo bao gồm sốc phản vệ có thể xảy ra [1], [17]. Cần lưu ý, tiền sử “hội chứng người đỏ” với vancomycin không phải là một chống chỉ định sử dụng teicoplanin [17].Linezolid có thể là một lựa chọn thay thế an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân gặp hội chứng quá mẫn do thuốc liên quan đến phản ứng chéo giữa vancomycin và teicoplanin [12].
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2015). Dược thư Quốc gia Việt Nam, Lần xuất bản thứ hai, trang 1326-8, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Bộ Y tế (2015). Dược thư Quốc gia Việt Nam, Lần xuất bản thứ hai, trang 1455-9, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
3. S.-H. Hsiao, C.-H. Chou et al (2012). High risk of cross-reactivity between vancomycin and sequential teicoplanin therapy. Journal of Clinical Pharmacy and Therapeutics 37, 296–300.
4. Cavalcanti AB, Goncalves AR, Almeida CS, Bugano DDG, Silva E (2010). Teicoplanin versus vancomycin for proven or suspected infection. Cochrane Database of Systematic Reviews Issue 6.
5. Svetitsky et al (2009). Comparative Efficacy and Safety of Vancomycin versus Teicoplanin:Systematic Review and Meta-Analysis. Antimicrob Agents Chemother 53, 4069-79.
6. Esther de Vries et al (1994). The Pediatric Infectious Disease Journal vol. 13, no. 2, p. 167.
7. Jenny D. Knudsen, Michael Pedersen (1992). IgE-mediated Reaction to Vancomycin and Teicoplanin after Treatment with Vancomycin. Scand J Infect Dis 24, 395-396.
8. Yuan-Pin Hung et al (2009). Tolerability of Teicoplanin in 117 Hospitalized Adults WithPrevious Vancomycin-Induced Fever, Rash, orNeutropenia: A Retrospective Chart Review. Clinical Therapeutics vol. 31, no. 9, pp. 1977-86.
9. S.-H. Hsiao et al (2010). Teicoplanin-induced hypersensitivity syndrome with a precedingvancomycin-induced neutropenia: a case report and literature review. Journal of Clinical Pharmacy and Therapeutics 35, 729–32.
10. Shu-Hwa Hsiao et al (2007). Glycopeptide-Induced Neutropenia:Cross-Reactivity Between Vancomycin and Teicoplanin. The Annals of Pharmacotherapy vol. 41, pp. 891-894.
11. Risa Tamagawa-Mineoka et al (2007). DRESS syndrome caused by teicoplanin and vancomycin, associated with reactivation of human herpesvirus-6. International Journal ofDermatology 46, 654–5.
12. Hyouk-Soo Kwon et al (2006). A Case of Hypersensitivity Syndrome to Both Vancomycin and Teicoplanin. J Korean Med Sci 2006; 21: 1108-10.
13. Marshall C, Street A, Galbraith K (1998). Glycopeptide-induced vasculitis-cross-reactivity between vancomycin and teicoplanin. J Infect 37(1):82-3.
14. Grek V, Andrien F, Collignon J, Fillet G (1991). Allergic cross-reaction of teicoplanin and vancomycin. J Antimicrob Chemother 28(3):476-7.
15. McElrath MJ, Goldberg D, Neu HC (1986). Allergic cross-reactivity of teicoplanin andvancomycin. Lancet 1(8471):47.
16. Miyazu D. et al (2016). DRESS by cross-reactivity between vancomycin and teicoplanin. Am J Case Rep 17:625-31.
17. Product Information: Targocid 200mg powder for solution for injection/infusion or oral solution; Targocid 400mg powder for solution for injection/infusion or oral solution. Sanofi (per eMC), Guildford, United Kingdom, 2016.