Tóm tắt
Nội dung bài
Ngày 18/10/2013, tại Hà Nội, Ban quản lý hợp phần 2.1 “Tăng cường các hoạt động Cảnh giác dược” của Dự án “Hỗ trợ hệ thống y tế” do Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao, Sốt rét tài trợ đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết hoạt động Cảnh giác dược trong các Chương trình y tế Quốc gia năm 2013” với sự tham gia của các đại biểu đến từ Chương trình Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình Chống lao Quốc gia và Chương trình Phòng, chống sốt rét Quốc gia; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Khoa học Quản lý về Sức khỏe Hoa Kỳ (MSH), Tổ chức Quản lý Chuỗi cung ứng thuốc (SCMS); các Trung tâm phòng, chống sốt rét, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh viện Lao và bệnh phổi ở 15 tỉnh, thành phố tham gia Dự án.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết các hoạt động Cảnh giác dược được triển khai trong năm 2013 tại 3 Chương trình y tế Quốc gia trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn cầu - “Hỗ trợ hệ thống y tế”, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn gặp phải trên thực tế. Nhìn chung, số lượng báo cáo của các Chương trình đều tăng so với những năm trước. Hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cảnh giác dược cho các cán bộ y tế trong 3 Chương trình cũng đã được tích cực triển khai ở nhiều cơ sở trên cả nước. Thêm vào đó, một số kết quả đạt được khi triển khai phương pháp Giám sát Tích cực và phương pháp Báo cáo Tự nguyện Có chủ đích phản ứng có hại của các thuốc kháng retrovirus (ARV) cũng đã được trình bày tại Hội thảo. Đây là hai phương pháp theo dõi ADR mới, lần đầu tiên được áp dụng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Trong thời gian thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp hoàn thiện mẫu báo cáo phản ứng có hại của thuốc trong các Chương trình và những biện pháp nhằm tăng cường số lượng cũng như chất lượng báo cáo. Tầm quan trọng của công tác đào tạo trong hoạt động cảnh giác dược cũng được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Đại diện Chương trình Chống lao của WHO đã đánh giá cao các hoạt động Cảnh giác dược được triển khai và góp ý kiến cần đẩy mạnh hơn các hoạt động này trong những năm tới.
Ban quản lý Hợp phần 2.1 đã cảm ơn các đại biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động báo cáo phản ứng có hại của thuốc trong các Chương trình y tế Quốc gia và hy vọng đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới.
Nội dung các báo cáo trình bày tại Hội thảo được đăng trên trang web: http://canhgiacduoc.org.vn