Nội dung bài
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm DI & ADR Quốc gia và Trung tâm DI & ADR khu vực TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tổng số 13158 báo cáo, trong đó:
+ 11159 báo cáo ADR được gửi từ các cơ sở khám, chữa bệnh;
+ 1342 báo cáo ADR xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm (11 báo cáo trùng với báo cáo từ các cơ sở khám, chữa bệnh);
+ 668 báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.
Số lượng báo cáo ADR lũy tiến theo tháng được thể hiện trong Hình 1.
Báo cáo ADR từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tính đến hết ngày 30/6/2024, 789 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023) của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã gửi báo cáo ADR. Phần lớn báo cáo được gửi từ các đơn vị ở vùng Đông Nam Bộ (36,8%), sau đó là đồng bằng sông Hồng (20,9%) và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,7%). Bên cạnh đó, báo cáo được gửi chủ yếu từ các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa và bệnh viện thuộc khối công lập (Hình 2). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có số lượng báo cáo cao nhất (tương ứng 32,9% và 12,3% tổng số báo cáo nhận được của cả nước). TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có công tác báo cáo ADR hiệu quả nhất với số báo cáo/1 triệu dân cao nhất trong cả nước (với tỷ lệ tương ứng 465,8 và 388,6 báo cáo/1 triệu dân) (Hình 3). Các đơn vị có số lượng báo cáo ADR cao tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh là đơn vị có số báo cáo ADR nhiều nhất trong cả nước, chiếm 4,1% tổng số báo cáo ADR từ các đơn vị khám, chữa bệnh (Bảng 1).
Báo cáo ADR từ các cơ sở kinh doanh Dược
Trong 6 tháng đầu năm 2024, 53 cơ sở kinh doanh Dược đã gửi báo cáo ADR đơn lẻ về Trung tâm DI & ADR Quốc gia và Trung tâm DI & ADR khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Tổng số báo cáo ADR xảy ra tại Việt Nam đã được các cơ sở kinh doanh Dược ghi nhận là 1342. Các cơ sở kinh doanh Dược có số lượng báo cáo ADR nhiều nhất được tổng hợp trong Bảng 2.
Báo cáo ADR từ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng
Từ tháng 01/2024 đến hết tháng 06/2024, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã nhận được 668 báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) trong 69 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được ghi nhận tại 36 tổ chức nhận thử tại Việt Nam.
Kết luận
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng báo cáo ADR được tiếp nhận là 13158 báo cáo (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023). Số lượng báo cáo ghi nhận đã phân bố đều hơn theo thời gian, không còn tập trung vào các tháng cuối quý, cho thấy hoạt động giám sát ADR đã được triển khai thường quy hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ báo cáo vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực và các tuyến bệnh viện. Do đó, công tác báo cáo ADR cần tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt tại đơn vị, địa phương chưa tham gia báo cáo ADR.
Trung tâm DI & ADR Quốc gia xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các đơn vị và cán bộ y tế đã tham gia báo cáo ADR và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp để triển khai hiệu quả hoạt động giám sát ADR.